BỘ CÂU HỎI TÌNH HUỐNG VÀ GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ AN NINH TRẬT TỰ CÔNG CỘNG

 

SỞ TƯ PHÁP - CƠ QUAN THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT THÀNH PHỐ CẦN THƠ

 

BỘ CÂU HỎI TÌNH HUỐNG VÀ GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT 

VỀ CÁC HÀNH VI BỊ XỬ LÝ LIÊN QUAN ĐẾN PHÒNG 

CHÁY VÀ CHỮA CHÁY

 

Tổng số: 08 tình huống

Hỏi: Qua kiểm tra về công tác phòng cháy và chữa cháy tại doanh nghiệp C, Đoàn kiểm tra đã nêu rõ: Doanh nghiệp C không phổ biến nội quy, quy định về phòng cháy và chữa cháy cho những người trong phạm vi quản lý của mình. Doanh nghiệp C đề nghị cho biết, đối với hành vi này thì bị xử phạt như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 29 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, quy định như sau:

Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi sau đây: “Không phổ biến nội quy về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho những người trong phạm vi quản lý”

Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP  nêu rõ: Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định số 144/2021/NĐ-CP là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Theo quy định trên, đối với hành vi không phổ biến nội quy, quy định về phòng cháy và chữa cháy cho những người trong phạm vi quản lý của mình của doanh nghiệp C bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Hỏi: Ông A là chủ một khách sạn trên địa bàn tỉnh X. Ông vừa nhận được quyết định của cơ quan chức năng về kiểm tra công tác phòng cháy và chữa cháy đối với khách sạn do ông làm chủ. Ông A hỏi: Trường hợp có hành vi vi phạm về kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy thì có bị xử phạt hành chính không?

Trả lời

Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 30 Nghị định số144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, quy định như sau:

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sau đây: Không tự kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật”.

Hỏi: Doanh nghiệp K có nhập một số hóa chất để phục vụ cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Các hóa chất này có tính chất dễ gây cháy, nổ. Vừa qua, cơ quan chức năng đã kiểm tra về công tác phòng cháy, chữa cháy đối với doanh nghiệp K và đã lập biên bản về hành vi sắp xếp không đúng khoảng cách, không theo từng nhóm chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định. Doanh nghiệp K đề nghị cho biết, hành vi này bị xử phạt bao nhiêu tiền?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 2 khoản 8 Điều 32 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, quy định như sau:

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi sau đây: “Bảo quản, bố trí, sắp xếp chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ không đúng nơi quy định hoặc vượt quá số lượng, khối lượng hoặc sắp xếp không bảo đảm khoảng cách, không theo từng nhóm chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định của pháp luật”.

Biện pháp khắc phục hậu quả: “Buộc bảo quản, bố trí, sắp xếp, giảm số lượng hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định đối với hành vi nêu trên”.

Khoản 2 Điều 4  Nghị định số 144/2021/NĐ-CP  nêu rõ: Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định số 144/2021/NĐ-CP là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Căn cứ quy định trên, doanh nghiệp K có hành vi sắp xếp không đúng khoảng cách, không theo từng nhóm chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định thì bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng; đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc bảo quản, bố trí, sắp xếp, giảm số lượng, khối lượng chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định.

Hỏi. Doanh nghiệp H sản xuất, gia công hàng dệt may. Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra công tác phòng cháy và chữa cháy nêu rõ: Cơ sở sản xuất của doanh nghiệp H không có biện pháp thông gió theo quy định của pháp luật. Hành vi này bị xử phạt hành chính như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại điểm a khoản 1; khoản 6 Điều 33 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021  của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, quy định như sau:

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi sau đây: Không có hoặc không duy trì biện pháp thông gió theo quy định của pháp luật”.

Khoản 2 Điều 4  Nghị định số 144/2021/NĐ-CP  nêu rõ: Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định số 144/2021/NĐ-CP là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Biện pháp khắc phục hạu quả: Buộc thực hiện biện pháp thông gió theo quy định đối với hành vi vi phạm nêu trên.

Như vậy, trường hợp doanh nghiệp H có hành vi không có biện pháp thông gió theo quy định thì bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.

Hỏi: Chị H cho biết, gần khu vực chị đang sinh sống có trường hợp một cơ sở kinh doanh thực hiện san, chiết ga mà không có giấy phép. Trường hợp này bị xử phạt hành chính với mức phạt bao nhiêu tiền?

Trả lời:

Theo quy định tại điểm a khoản 3; khoản 5 Điều 33 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021  của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, quy định như sau:

Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi sau đây: “Sản xuất, kinh doanh, san, chiết, nạp chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ mà không có giấy phép”.

Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi nêu trên.

Khoản 2 Điều 4  Nghị định số 144/2021/NĐ-CP  nêu rõ: Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định số 144/2021/NĐ-CP là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Theo quy định trên thì hành vi san, chiết ga không có giấy phép của cơ sở kinh doanh trên bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Hỏi: Anh P cho biết, anh chuyên vận chuyển hàng nguy hiểm về cháy, nổ. Vừa qua, anh làm mất giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ nhưng không thông báo với cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp này bị xử phạt hành chính với mức phạt bao nhiêu tiền?

Trả lời:

Theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 34 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, quy định như sau:

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:Làm mất giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ nhưng không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền”.

Hỏi: Anh Q chuyên lái xe vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ. Anh đề nghị cho biết, trong một số trường hợp cần thiết, anh có thể chở người không có nhiệm vụ trên phương tiện vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ không?

Trả lời:

Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 34 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, quy định như sau:

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sau đây: Chở người không có nhiệm vụ trên phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ”.

Hỏi: Chị L đi xe máy vào đổ xăng tại cây xăng trên đường Quốc lộ 1 (có bảng cấm sử dụng điện thoại). Vào thời điểm này thì có người gọi điện thoại đến và chị lấy điện thoại trong túi xách ra nghe. Hành vi này của chị L bị xử phạt hành chính như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021  của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, quy định như sau:

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi sau đây: Mang diêm, bật lửa, điện thoại di động, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt vào những nơi có quy định cấm”.