BỘ CÂU HỎI TÌNH HUỐNG VÀ GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ CHƯƠNG TRÌNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH LĨNH VỰC GIÁM ĐỊNH BẢO HIỂM Y TẾ VÀ THU BẢO HIỂM TỰ NGUYỆN

SỞ TƯ PHÁP – CƠ QUAN THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT THÀNH PHỐ CẦN THƠ

BỘ CÂU HỎI TÌNH HUỐNG VÀ GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ CHƯƠNG TRÌNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH LĨNH VỰC GIÁM ĐỊNH BẢO HIỂM Y TẾ VÀ THU BẢO HIỂM TỰ NGUYỆN                                          

 

Tổng số: 22 Tình huống

 

Câu 1: Anh T đã mua BHYT đăng ký nơi khám chữa bệnh (KCB) ở Bệnh viện Quân dân y thành phố Cần Thơ. Tuy nhiên, làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh, thì khi đi khám chữa bệnh ở cơ sở y tế tuyến Tỉnh, tuyến trung ương có được sử dụng BHYT ở TP Hồ Chí Minh để chi trả quyền lợi không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 22 Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định:

Trường hợp người có thẻ BHYT tự đi KCB được quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng như sau:

- Tại bệnh viện tuyến trung ương: 40% chi phí điều trị nội trú

- Tại Bệnh viện tuyến tỉnh: 60% chi phí điều trị nội trú từ ngày Luật này có hiệu lực đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020; 100% chi phí điều trị nội trú kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

- Tại bệnh viện tuyến huyện: 70% chi phí KCB từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 31/12/2015; 100% chi phí KCB từ ngày 01/01/2016;

Liên hệ trường hợp của anh T có thẻ BHYT đăng ký ban đầu tại Bệnh viện Quân dân Y thành phố Cần Thơ, đang làm việc tại TPHCM thì hưởng quyền lợi KCB như sau:

1. Hưởng 100% chi phí KCB ngoại trú và nội trú tại bất kỳ bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn.

          2. Tại bệnh viện tuyến tỉnh:

- Khám ngoại trú (không có giấy chuyển viện) được xem là trái tuyến và không được hưởng quyền lợi BHYT theo quy định.

- Điều trị nội trú được hưởng tại Bệnh viện 100% chi phí theo mã quyền lợi và mức hưởng ghi trên thẻ. Trừ trường hợp thực hiện dịch vụ kỹ thuật thuộc lĩnh vực thẩm mỹ và một số trường hợp không thuộc phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế theo quy định của Luật.

3 Tại bệnh viện tuyến trung ương:

- Khám ngoại trú (không có giấy chuyển viện) được xem là trái tuyến và không được hưởng quyền lợi BHYT theo quy định.

- Điều trị nội trú (có giấy chuyển viện) được hưởng tại Bệnh viện 100% chi phí theo mã quyền lợi và mức hưởng ghi trên thẻ. Điều trị nội trú (không có giấy chuyển viện) được hưởng tại Bệnh viện 40% chi phí theo mã quyền lợi và mức hưởng ghi trên thẻ. Trừ trường hợp thực hiện dịch vụ kỹ thuật thuộc lĩnh vực thẩm mỹ và một số trường hợp không thuộc phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế theo quy định của Luật.

Câu 2: Chị H vừa hưởng bảo hiểm thất nghiệp 3 tháng xong, hiện tại mã số thẻ BHYT là TN4949423728732. Chị H có thể chuyển từ mã TN sang mã GD để gia hạn BHYT tự nguyện theo hộ gia đình bằng cách online được không ạ?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 5 Điều 12 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT thì thời gian tham gia BHYT liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp lần trước; gián đoạn tối đa không quá 03 tháng.

Trường hợp bạn hết thời gian hưởng BHTN thì có thể tiếp tục tham gia BHYT theo nhóm hộ gia đình để đảm bảo quyền lợi. Bạn có thể đến cơ quan BHXH hoặc Tổ dịch vụ thu BHXH, BHYT tại nơi cư trú để được đăng ký và nộp tiền tham gia BHYT.

Sau khi đã đăng ký tham gia BHYT theo hộ gia đình lần đầu, chị H có thể thực hiện gia hạn thẻ BHYT trực tuyến trên cổng dịch vụ công Quốc gia cho những lần đăng ký tiếp theo.

Câu 3: Chị A muốn tham gia BHYT hộ gia đình để sinh nở thì có được không ? Có quy định thời gian tham gia bao lâu thì mới thanh toán không ? 

Trả lời:

Chị A muốn tham gia BHYT bất cứ lúc nào cũng được. Nhưng theo quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 16 Luật BHYT quy định: Đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 12 của Luật BHYT (là đối tượng hộ gia đình) tham gia BHYT từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành hoặc tham gia không liên tục từ 3 tháng trở lên trong năm tài chính thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 30 ngày, kể từ ngày đóng BHYT.

Liên hệ trường hợp của chị A, khi chị A mới tham gia BHYT lần đầu thì thẻ BHYT có giá trị sau 30 ngày kể từ ngày đóng BHYT.

Câu 4: Con anh B tham gia BHYT tại trường học. Hiện nay con anh B bị bệnh mãn tính, thường xuyên đi khám và chữa bệnh, vậy khi đi khám chữa bệnh con anh B có phải chi trả tiền BHYT không?

Trả lời:

Con anh B tham gia BHYT tại trường học là thuộc đối tượng học sinh (ký hiệu HS) được hưởng tối đa là 80% chi phí KCB khi đi KCB đúng tuyến, con anh B phải chi trả 20% số tiền cùng chi trả.

Câu 5: Mình thuộc diện hộ nghèo có tham gia BHYT được địa phương đăng kí trong nhiều năm qua có mã số BHYT là HN2949120845202. Năm nay mình không còn thuộc diện hộ nghèo nữa, mình có kiểm tra trên ứng dụng VSSID thì thấy đã hết hạn và chưa được gia hạn. Bây giờ nếu mình muốn đăng kí gia hạn thì mình phải làm sao?

Trả lời:

Theo nội dung câu hỏi thì bạn đã không còn thuộc diện hộ nghèo nên bạn không được gia hạn thẻ BHYT theo đối tượng hộ nghèo nữa.

Để tránh gián đoạn tham gia BHYT quá 3 tháng, ảnh hưởng đến thời điểm có giá trị sử dụng của thẻ (mới) và quyền lợi tham gia BHYT 5 năm liên tục theo quy định của Luật BHYT, bạn cần nhanh chóng liên hệ và cung cấp mã số BHXH in trên thẻ BHYT cấp trước đó cho Tổ chức dịch vụ thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình nơi cư trú để được hướng dẫn làm thủ tục đăng ký tiếp tục tham gia đóng BHYT và được cấp thẻ BHYT (mới) theo đối tượng hộ gia đình.

Câu 6: Tôi nhập ngũ trước ngày 30/4/1975, nay làm việc tại doanh nghiệp. Vậy, tôi có được cấp thẻ BHYT theo mã 2 dành cho cựu chiến binh không?

Trả lời:

Ngày 28/8/2015, Bộ Y tế đã có Công văn số 6425/BYT-BH về việc giải quyết vướng mắc trong cấp thẻ BHYT, trong đó quy định: Đối với đối tượng là cựu chiến binh thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì tham gia BHYT theo thứ tự xuất hiện của đối tượng quy định tại điều 12 Luật BHYT và được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất theo quy định tại Khoản 2, Điều 22 Luật BHYT.

Như vậy trường hợp của ông nếu cung cấp được hồ sơ chứng minh là cựu chiến binh thì được đổi mã quyền lợi hưởng.

Câu 7: Ông A hỏi, trước mình có tham gia đóng BHYT tự nguyện, đóng theo gia đình, tháng 4 vừa rồi thẻ cũ của ông A hết hạn và ông có gia hạn qua hình thức chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng Vietcombank. Nhưng sau đó ông có đi làm và phía công ty có đóng bảo hiểm cho ông bắt đầu từ tháng 4, thẻ BHYT đã được chuyển sang DN. Ông A thấy có được hoàn lại phí đã đóng khi đóng theo hộ gia đình. Vậy cho Ông A hỏi mình cần liên hệ với bên nào để nhận lại số phí hoàn ạ.( liên hệ với bên ngân hàng hay bên BHXH ạ)

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 7 Điều 1 Luật số 46/2014/QH13 ngày 13/6/2014 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này.

Đối chiếu quy định trên, khi ông đi làm tại công ty sẽ tham gia BHYT theo nhóm 1 (do người lao động và người sử dụng lao động đóng) và thẻ BHYT theo nhóm 5 (nhóm hộ gia đình) được cấp trước đó sẽ được báo giảm và cơ quan BHXH sẽ hoàn trả tiền đóng BHYT cho ông

Đề nghị ông liên hệ với cơ quan BHXH nơi ông tham gia BHYT theo hộ gia đình để được giải quyết hoàn trả theo quy định.

Câu 8: Chị T là công chức, đã tham gia BHYT hơn 8 năm, trước đây chị T đi khám bệnh thường không sử dụng thẻ BHYT, nay chị thấy đã có nhiều thay đổi đối với người khám bệnh có sử dụng thẻ BHYT, chị muốn tìm hiểu về giá thanh toán các dịch vụ y tế để thuận tiện khi đi khám bệnh tại bệnh viện tư nhân có thanh toán BHYT?

Trả lời:

Về giá dịch vụ KCB BHYT, chị tham khảo tại Thông tư số 39/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí KCB trong một số trường hợp và Thông tư số 13/2019/TT-BYT ngày 05/7/2019 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2018/TT-BYT

Bệnh viện tư nhân có ký hợp đồng KCB BHYT sẽ được hưởng quyền lợi BHYT theo quy định.

Câu 9: Trước đây khi đi KCB anh A phải trình thẻ BHYT để được thanh toán chi phí KCB? Vậy nay đi khám chữa bệnh mà anh A quên không mang thẻ BHYT có được thanh toán không?

Trả lời:

Hiện nay, trường hợp anh quên mang thẻ BHYT, anh có thể trình ứng dụng VssID cài đặt trên điện thoại thông minh, thẻ CCCD gắn chip đã được đồng bộ dữ liệu để thay thế thẻ BHYT giấy.

Câu 10: Xin hãy cho tôi được biết Hồ sơ thanh toán trực tiếp chi phí KCB BHYT được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định Hồ sơ đề nghị thanh toán trực tiếp:

1. Các giấy tờ là bản chụp (kèm theo bản gốc để đối chiếu) gồm:

a) Thẻ bảo hiểm y tế, giấy chứng minh nhân thân theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định này;

b) Giấy ra viện, phiếu khám bệnh hoặc sổ khám bệnh của lần khám bệnh, chữa bệnh đề nghị thanh toán.

2. Hóa đơn và các chứng từ có liên quan.

Câu 11: Chi X biết Thủ tục thay đổi nơi đăng ký KCB ban đầu được quy định như thế nào?

Trả lời:

1. Trình tự, thủ tục thay đổi nơi đăng ký KCB BHYT ban đầu ghi trên thẻ BHYT Hồ sơ thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu gồm:

         - Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo mẫu TK1-TS (01 bản);

         - Thẻ BHYT cũ còn giá trị sử dụng;

         - Chứng minh thư nhân dân (bản gốc và 01 bản sao).

         2. Nộp hồ sơ thay đổi đổi nơi KCBBĐ

         Việc đổi thẻ BHYT do thay đổi nơi đăng ký KCB ban đầu được thực hiện vào ngày 01 đến ngày 10 của tháng đầu mỗi quý, vì vậy, vào những ngày này anh/chị có nhu cầu thay đổi nơi đăng ký KCB ban đầu ghi trên thẻ BHYT sẽ thực hiện theo hướng dẫn sau:

         - Đối tượng đăng ký thẻ BHYT qua doanh nghiệp nơi đang làm việc: liên hệ phòng nhân sự hoặc phòng y tế tại doanh nghiệp để thay đổi nơi KCB ban đầu;

          - Các đối tượng hưu trí, trẻ em, người có công với cách mạng, người mất sức lao động, người hưởng bảo trợ xã hội: đến cơ quan BHXH quận, huyện nơi đăng ký hộ khẩu thường trú xin thay đổi nơi đăng ký KCB BHYT ban đầu;

         - Đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình: đến đại lý thu BHYT và đăng ký lại nơi KCB BHYT ban đầu. Bạn liên hệ cơ quan BHXH tại địa phương để được hỗ trợ.

Câu 12: Cho cháu hỏi về việc đăng kí tham gia bảo hiểm y tế, Dượng cháu có tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục. Vừa mới hết hạn sử dụng ngày 30/4/2023. Và ngày 6/5/2023 dượng cháu bị bệnh nặng. Cho cháu hỏi bây giờ đăng kí mua tiếp theo thì thời gian nhận thẻ là bao lâu? Và có hỗ trợ nào có thể có sớm hơn được không?

Trả lời:

Theo Khoản 5 Điều 12 Nghị định số 146 năm 2018 của Chính phủ quy định: “…Thời gian tham gia bảo hiểm y tế liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp lần trước. Người tham gia bảo hiểm y tế 05 năm liên tục là người có thời gian tham gia BHYT gián đoạn không quá 03 tháng”.

Theo Điểm 2.2, Khoản 2, Điều 47.98, Công văn số 2089/VBHN-BHXH ngày 26/6/2020 của BHXH Việt Nam quy định:

“2.2. Đối tượng quy định tại Điểm 4.3 Khoản 4, Khoản 5 và Khoản 8 Điều 17 có thời gian tham gia BHYT liên tục, thẻ BHYT có giá trị sử dụng từ ngày đóng BHYT. Trường hợp tham gia BHYT lần đầu hoặc tham gia không liên tục từ 3 tháng trở lên trong năm tài chính thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 30 ngày kể từ ngày người tham gia nộp tiền đóng BHYT”.

Như vậy, trường hợp của bạn đã bị gián đoạn trên 03 tháng không tham gia BHYT nên khi gia hạn lại thẻ BHYT sẽ có giá trị sử dụng sau 30 ngày kể từ ngày nộp tiền đóng BHYT.

Để gia hạn thẻ BHYT hộ gia đình bạn chỉ cần tới Đại lý thu BHXH, BHYT hoặc cơ quan BHXH gần nhất, thông báo số BHXH (cung cấp mã thẻ BHYT cũ), nộp tiền đóng BHYT.

Câu 13: Tôi tham gia đầy đủ BHXH bắt buộc từ năm 2011 đến 2017. Nhưng do công ty làm ăn thua lỗ, đã không đóng cho tôi trong khoảng năm 2014 đến 2017. Hiện tại tôi là lao động tự do. Tôi muốn tiếp tục đóng bảo hiểm tự nguyện. Xin cho biết quy trình và các bước dể đóng tiếp như thế nào và ở đâu? Những năm doanh nghiệp không đóng cho tôi, tôi có thể đóng bù vào không ? Xin cảm ơn.

          Trả lời:

Căn cứ hướng dẫn tại Điều 24 Quy trình thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BHTNLĐ, BNN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của BHXH Việt Nam, trường hợp của ông/bà có thể đăng ký tham gia, đóng BHXH tự nguyện tại cơ quan BHXH cấp huyện hoặc Đại lý thu BHXH, BHYT gần nơi cư trú. Đề nghị ông/bà liên hệ trực tiếp với các đơn vị này để được hướng dẫn cụ thể.

Trường hợp khi Công ty nơi ông/bà làm việc đóng đủ số tiền chậm đóng (nợ) BHXH tự năm 2014 đến năm 2017 thì cơ quan BHXH xác nhận bổ sung thời gian đóng BHXH đối với ông/bà làm căn cứ để tính hưởng các chế độ BHXH theo đúng quy định của pháp luật.

Câu 14: Anh tôi đang làm ở một Công ty, không được ký hợp đồng lao động và cũng không được đóng BHXH. Vậy, tôi có thể tự tham gia BHXH tự nguyện được không?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản a điểm 1 Điều 2 Luật BHXH quy định đối tượng tham gia BHXH bắt buộc: "Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động".

Nếu bà ký HĐLĐ theo quy định này thì thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc.

Trường hợp của anh bạn không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì có thể đăng ký tham gia BHXH tự nguyện tại Đại lý bưu điện nơi cư trú.

Câu 15: Chị H xin hỏi là Chủ sở hữu Công ty TNHH MTV đồng thời là Giám đốc, đại diện pháp luật của công ty có phải đóng BHXH bắt buộc hay không? Theo Chị H được biết thì Người quản lý doanh nghiệp có hưởng lương thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc, vậy nếu chủ sở hữu kiêm Giám đốc, đại diện pháp luật công ty TNHH MTV có hưởng lương từ công ty thì việc ký HĐLĐ sẽ được ký giữa Đại diện pháp luật của Công ty với Chủ sở hữu đó hay như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1h Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội quy định đối tượng tham gia BHXH bắt buộc bao gồm: Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.

Khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014 có quy định: Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý công ty và người quản lý doanh nghiệp tư nhân, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty.

Như vậy, trường hợp giám đốc Công ty TNHH MTV có hưởng lương thì thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Trường hợp giám đốc không hưởng lương thì không phải tham gia BHXH bắt buộc.

Câu16: Tôi đi làm mới đóng BHXH được một tháng, vợ tôi không đóng BHXH. Khi vợ sinh con, tôi có được nghỉ để chăm con và hưởng trợ cấp 2 tháng lương cơ sở không? Nếu vợ tôi tham gia BHYT thì có được quyền lợi gì khi đi sinh con?

            Trả lời:

Khoản 2, Điều 34 Luật BHXH 2014 quy định: Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:

a) 5 ngày làm việc;

b) 7 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;

c) Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc;

d) Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

Điều 38 Luật BHXH quy định: Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.

Điểm a, khoản 2, Điều 9, Mục II, Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định về điều kiện hưởng trợ cấp một lần khi sinh con được hướng dẫn cụ thể như sau: a) Đối với trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Như vậy, trường hợp chồng đi làm mới đóng BHXH được 1 tháng, mà vợ không đóng BHXH sinh con thì chồng được nghỉ chăm con tùy theo số con sinh ra và tình trạng sinh của vợ, nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp một lần 2 tháng lương cơ sở khi sinh con.

Câu 17: Bảo hiểm xã hội cho em hỏi là hiện BHYT quản lý theo cá nhân và mã hộ gia đình nên nếu chuyển đổi từ mua thẻ BHYT tự nguyện sang thẻ BHYT bắt buộc thì thời gian đã tham gia bHYT tự nguyện cũng vẫn được tính tiếp cho người lao động đúng ko ạ? Vì người lao động đã tham gia BHYT tự nguyện trên 5 năm.

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 12 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT thì “Thời gian tham gia BHYT liên tục là thời gian sử dụng ghi trên thẻ BHYT lần sau nối tiếp lần trước; trường hợp gián đoạn tối đa không quá 3 tháng”.

          Trường hợp của em nếu có quá trình tham gia BHYT tự nguyện liên tục trên 5 năm . Nếu sau đó bạn tiếp tục tham gia ngay BHXH bắt buộc (trường hợp gián đoạn không quá 03 tháng) thì thời gian tham gia trước đó được cộng nối với thời gian tham gia sau này để được tính là thời gian tham gia liên tục.

Câu 18: Cho anh H hỏi là BHXH bắt buộc khác BHXH tự nguyện như thế nào? Nếu anh H tham gia BHXH tự nguyện thì có được thanh toán BHXH bắt buộc mà anh H đã tham gia 1 năm trước đó không?

Trả lời:

BHXH bắt buộc là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia.

BHXH tự nguyện là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

Thời gian tham gia BHXH bắt buộc trước đó 1 năm nếu anh không muốn cộng nối với thời gian tham gia BHXH tự nguyện thì anh liên hệ với cơ quan BHXH đẻ làm thủ tục thanh toán BHXH 1 lần. Tuy nhiên, anh không nên thanh toán BHXH 1 lần mà hãy bảo lưu lại thời gian đó cộng nối với thời gian BHXH tự nguyện đến khi hết tuổi lao động hưởng chế độ hưu trí.

Câu 19: Anh X đang làm ở một Công ty, không được ký hợp đồng lao động và cũng không được đóng BHXH. Vậy, Anh X có thể tự tham gia BHXH tự nguyện được không?

Trả lời:

Khoản a điểm 1 Điều 2 Luật BHXH quy định đối tượng tham gia BHXH bắt buộc: "Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động".

Nếu anh ký HĐLĐ theo quy định này thì thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc.Trường hợp bà không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì có thể đăng ký tham gia BHXH tự nguyện tại Đại lý bưu điện nơi cư trú.

Câu 20: Cho chị B hỏi chị bị tai nạn lao động 33%. Giờ chị B nghĩ việc không làm nữa bên bảo hiểm có cấp cho chị B cái thẻ bảo hiểm y tế mãi mãi không ?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định:

"Điều 2. Nhóm do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng

1. Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

2. Người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định của Chính phủ.

3. Người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành.

4. Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng.

5. Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

6. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp."

Như vậy, người lao động bị tai nạn lao động được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí và do Cơ quan bảo hiểm xã hội đóng.

Câu 21: Tôi có tham gia đóng BHXH được khoảng 5 năm. Nhưng trong quá trình làm việc tôi có bị ốm và nghỉ điều trị khoản gần 1 năm.Trong thời gian nghỉ điều trị bệnh thì tôi nghỉ không lương do đó bị gián đoạn đóng BHXH (khoảng gần 1 năm). Vậy tôi muốn hỏi thủ tục để đóng bù BHXH thời gian tôi nghỉ gián đoạn 1 năm kia như thế nào? Số tiền phải đóng bù tính như thế nào? Và tiến hành đóng bù ở công ty tôi làm việc hay đến cơ quan bảo hiểm tự nguyện để đóng?

Trả lời:

Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 21; Khoản 1, 3 Điều 85; Khoản 1 Điều 86, Luật BHXH năm 2014; Khoản 4 Điều 6 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, hàng tháng người sử dụng lao động đóng BHXH và trích từ tiền lương của người lao động để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH; Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương, nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không phải đóng BHXH tháng đó.

Do đó, thời gian bà nghỉ không làm việc, không hưởng tiền lương thì không có căn cứ để trích nộp BHXH (không được đóng bù), thời gian này không được tính để hưởng BHXH.

Câu 22: Mẹ tôi sinh ngày 11/6/1967, muốn tham gia BHXH tự nguyện có được không? Nếu được thì phải đóng như thế nào? Mẹ tôi có mua BHYT, khi tham gia BHXH tự nguyện có được cấp BHYT không?

          Trả lời:

Theo quy định của pháp luật về BHXH hiện hành, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên (không giới hạn tuổi trần) và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng của người tham gia BHXH tự nguyện bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia lựa chọn, thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng. Người tham gia BHXH tự nguyện được chọn linh hoạt các phương thức đóng: hằng tháng, 03 tháng một lần, 06 tháng một lần, 12 tháng một lần, đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần, đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. 6 Khi tham gia BHXH tự nguyện, người tham gia được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn cụ thể là: Bằng 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo; 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo; 10% đối với các đối tượng khác. Thời gian hỗ trợ tối đa là 10 năm. Về điều kiện hưởng lương hưu: người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu khi đủ điều kiện về tuổi đời theo quy định tại Điều 169 Bộ Luật Lao động năm 2019 (năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với nam; đủ 55 tuổi 04 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng với lao động nam; 04 tháng với lao động nữ cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035) và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên. BHXH Việt Nam cung cấp thông tin về điều kiện tham gia và hưởng lương hưu để Bạn nắm được. Đề nghị Bạn căn cứ quy định của chính sách và tình hình kinh tế của gia đình để quyết định lựa chọn mức đóng, phương thức đóng BHXH tự nguyện phù hợp; đồng thời liên hệ với cơ quan BHXH nơi cư trú hoặc tổ chức dịch vụ thu BHXH tại địa phương nơi gần nhất để được tư vấn tham gia.