SỞ TƯ PHÁP – CƠ QUAN THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BỘ CÂU HỎI TÌNH HUỐNG VÀ GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ CHƯƠNG TRÌNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH LĨNH VỰC XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ TRẬT TỰ XÂY
DỰNG
Tổng số: 10 Tình huống
Câu hỏi 1: Gần nhà Tôi sắp có dự án xây dựng, có thể cho Tôi biết điều kiện để khởi công xây dựng công trình được quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 107 Luật Xây dựng 2014 (được sửa đổi bởi khoản 39 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020) quy định điều kiện khởi công xây dựng như sau:
1. Việc khởi công xây dựng công trình phải bảo đảm các điều kiện sau:
a) Có mặt bằng xây dựng để bàn giao toàn bộ hoặc từng phần theo tiến độ xây dựng;
b) Có giấy phép xây dựng đối với công trình phải có giấy phép xây dựng theo quy định tại Điều 89 của Luật này;
c) Có thiết kế bản vẽ thi công của hạng mục công trình, công trình khởi công đã được phê duyệt;
d) Chủ đầu tư đã ký kết hợp đồng với nhà thầu thực hiện các hoạt động xây dựng liên quan đến công trình được khởi công theo quy định của phập luật;
đ) Có biện pháp bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng;
e) Chủ đầu tư đã gửi thông báo về ngày khởi công xây dựng đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương trước thời điểm khởi công xây dựng ít nhất là 03 ngày làm việc.
2. Việc khởi công xây dựng nhà ở riêng lẻ chỉ cần đáp ứng điều kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
Câu hỏi 2: Do nhu cầu gấp về chỗ ở, anh Tôi đang thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ trên đất ở tại đô thị mà không xin phép xây dựng thì bị xử phạt hành chính như thế nào? Sau khi bị xử phạt có cho phép công trình nhà ở của anh Tôi được tồn tại không?
Trả lời:
Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ. Đồng thời, tại khoản 15 Điều 16 và Điều 81 Nghị định 16/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định về biện pháp khắc phục hậu quả, quy định như sau:
- Công trình đang thi công xây dựng thì ngoài việc bị phạt tiền theo quy định còn phải tuân theo trình tự sau: tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải dừng thi công xây dựng công trình. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải hoàn thành hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh hoặc thiết kế xây dựng điều chỉnh và có giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh hoặc thiết kế xây dựng điều chỉnh.
- Hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh hoặc điều chỉnh thiết kế xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật về cấp giấy phép, về thẩm định và bổ sung thêm hồ sơ chứng minh đã hoàn thành việc nộp phạt vi phạm hành chính.
- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cấp giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng điều chỉnh, cơ quan chuyên môn về xây dựng có trách nhiệm thẩm định thiết kế xây dựng điều chỉnh theo quy định của pháp luật.
Sau khi bị xử phạt có cho phép công trình nhà ở của Tôi được tồn tại không?
Trả lời: Cá nhân, tổ chức vi phạm chỉ được tiếp tục thi công xây dựng nếu biên bản kiểm tra, ghi nhận hiện trạng công trình xác nhận hiện trạng công trình phù hợp với giấy phép xây dựng được cấp hoặc được điều chỉnh. Trường hợp biên bản kiểm tra, ghi nhận hiện trạng công trình xác nhận hiện trạng công trình không phù hợp với giấy phép xây dựng được cấp hoặc được điều chỉnh thì trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày lập biên bản kiểm tra, ghi nhận hiện trạng công trình, cá nhân, tổ chức vi phạm phải buộc tháo dỡ công trình, phần công trình không phù hợp với giấy phép xây dựng được cấp hoặc được điều chỉnh.
Câu hỏi 3: Công trình xây dựng đang thi công bên cạnh nhà bà Tư mà không che chắn và để vật liệu xây dựng rơi xuống khu vực xung quanh, gây mất an toàn xung quanh thì bị xử lý ra sao?
Trả lời:
Căn cứ khoản 1 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, quy định: xử phạt hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không che chắn hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh hoặc để vật liệu xây dựng không đúng nơi quy định như sau:
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ hoặc công trình xây dựng khác;
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.
Câu hỏi 4: Do nhu cầu cấp thiết về chỗ ở nên anh B có mua một thửa đất vườn để xây dựng nhà ở không xin phép xây dựng. Xin hỏi trường hợp của anh B sẽ bị xử lý thế nào?
Trả lời:
Trường hợp này là xây dựng công trình trên đất không đúng mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Căn cứ khoản 11 Điều 16 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, quy định như sau: Đối với các công trình xây dựng trên đất không đúng mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai thì xử phạt theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Như vậy, trường hợp anh B sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Câu hỏi 5: Chúng Tôi là người dân có thể giám sát biết được công trình đang thi công xây dựng có giấy phép xây dựng hay không?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 55 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03 tháng 03 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, quy định: chủ đầu tư có trách nhiệm công khai nội dung giấy phép xây dựng đã được cấp tại địa điểm thi công xây dựng trong suốt quá trình thi công xây dựng để tổ chức, cá nhân theo dõi và giám sát theo quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp, chủ đầu tư không công khai giấy phép xây dựng tại địa điểm thi công xây dựng trong suốt quá trình thi công thì bị xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, như sau:
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.
Câu hỏi 6: Công trình liền kề đang thi công xây dựng, gây ra hiện tượng lún nứt nhà chị C, xin cho hỏi trong trường hợp này thì có bị xử phạt không?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 5 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, quy định như sau: Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng gây lún, nứt hoặc hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình lân cận hoặc gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận nhưng không gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác như sau:
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;
- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác;
- Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.
Câu hỏi 7: Nhà cạnh nhà anh X đang thi công, đã bị Ủy ban nhân dân phường lập biên bản vi phạm hành chính và buộc dừng thi công xây dựng do không có giấy phép xây dựng nhưng chủ nhà đó vẫn tiếp tục cho nhà thầu thi công thì trường hợp này bị xử lý như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 12 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, quy định: xử phạt hành vi tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm sau khi đã bị lập biên bản vi phạm hành chính (trước khi ban hành quyết định xử phạt) dù người có thẩm quyền đã yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm đối với các hành vi vi phạm hành chính thì bị Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ. Đồng thời xử phạt nhà thầu từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 31 Nghị định 16/2022/NĐ-CP và tước quyền sử dụng chứng chỉ năng lực hoặc chứng chỉ hành nghề từ 03 tháng đến 06 tháng và bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm được quy định tại điểm c khoản 15 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP.
Câu hỏi 8: Anh N bị xử phạt vi phạm hành chính tại quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận về hành vi xây dựng sai nội dung giấy phép. Nhưng hiện nay anh N đang gặp khó khăn về kinh tế, xin hỏi anh N có thể đóng phạt nhiều lần không? Nếu được đóng phạt nhiều lần thì thủ tục thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 79 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung tại khoản 40 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020 quy định: Việc nộp tiền phạt nhiều lần được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân và từ 150.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức;
- Đang gặp khó khăn đặc biệt về kinh tế và có đơn đề nghị nộp tiền phạt nhiều lần. Đơn đề nghị của cá nhân phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc xác nhận hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế. Đơn đề nghị của tổ chức phải được Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp xác nhận hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế. Thời hạn nộp tiền phạt nhiều lần không quá 06 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực; số lần nộp tiền phạt tối đa không quá 03 lần. Mức nộp phạt lần thứ nhất tối thiểu là 40% tổng số tiền phạt.
Như vậy, nếu anh N đủ điều kiện nêu trên thì làm đơn để được xem xét giải quyết.
Câu hỏi 9: Bà H được cấp phép xây dựng nhà ở với diện tích 100m2 (ngang 5m, dài 20m), nhưng gia đình không đủ tiền nên đã xây dựng với diện tích 80m2 (ngang 5m, dài 16m). Xin hỏi như vậy thì bà H bị xử lý ra sao?
Trả lời:
Căn cứ tại điểm b khoản 1 Điều 98 Luật Xây dựng, công trình thay đổi một trong các yếu tố về vị trí, diện tích xây dựng; quy mô, chiều cao, số tầng của công trình và các yếu tố khác ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực chính thì phải điều chỉnh giấy phép xây dựng trước khi tiến hành xây dựng, nếu không xin điều chỉnh giấy phép xây dựng trước khi thi công thì đã có hành vi vi phạm xây dựng sai phép, bị xử phạt vi phạm hành chính và buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là thực hiện điều chỉnh giấy phép xây dựng theo quy định.
Căn cứ quy định tại Khoản 6 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, quy định mức xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng mới như sau:
1. Từ 30.000.000 - 40.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ.
2. Từ 50.000.000 - 70.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc công trình xây dựng khác.
Câu hỏi 10: Nhà chị K nằm trong dự án Khu dân cư có quy hoạch 1/500, theo chủ đầu tư dự án thì nhà tôi chỉ được xây dựng tối đa là 4 tầng, theo chị K được biết thì nhà chị K được miễn giấy phép xây dựng, nếu chị K xây dựng thêm 01 tầng thành 5 tầng thì bị xử lý như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Điểm b Khoản 2 Điều 56 Nghị định 15/2021/NĐ-CP ngày 03/03/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, đối với công trình được miễn giấy phép xây dựng, nội dung quản lý trật tự xây dựng gồm: kiểm tra sự đáp ứng các điều kiện về cấp giấy phép xây dựng đối với công trình thuộc đối tượng miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 89 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 30 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14, sự tuân thủ của việc xây dựng với quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành hoặc quy chế quản lý kiến trúc hoặc thiết kế đô thị được phê duyệt và quy định của pháp luật có liên quan; kiểm tra sự phù hợp của việc xây dựng với các nội dung, thông số chủ yếu của thiết kế đã được thẩm định đối với trường hợp thiết kế xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định. Như vậy trường hợp trên là công trình được miễn giấy phép xây dựng thì sai sẽ bị xử lý sai quy hoạch.
Do đó, hành vi trên sẽ bị xử phạt về hành vi xây dựng không đúng quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được duyệt quy định tại Điểm a Khoản 9 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. Cụ thể: phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng nhà ở riêng lẻ không đúng quy hoạch xây dựng. Và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả tại Điểm c Khoản 15 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP là buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm đối với hành vi trên.