SỞ TƯ PHÁP – CƠ QUAN THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BỘ CÂU HỎI TÌNH HUỐNG VÀ GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT
Tổng số: 12 Tình huống
Câu hỏi 1: Anh H muốn biết đôi với công chức có hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức nào theo quy định của pháp luật?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức năm 2019, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 thì các hình thức kỷ luật đối với công chức vi phạm gồm có:
- Khiển trách.
- Cảnh cáo.
- Hạ bậc lương.
- Giáng chức.
- Cách chức.
- Buộc thôi việc.
Câu hỏi 2: Cho tôi hỏi, trong trường hợp khi phát hiện hành vi vi phạm của cán bộ, công chức thì sẽ xử lý kỷ luật theo thời hiệu, thời hạn như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 16 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 quy định thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật như sau:
1. Khái niệm:
- Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì cán bộ, công chức có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật. Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm.
- Thời hạn xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật của cán bộ, công chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 90 ngày; trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày.
2. Thời hiệu: Trừ các trường hợp công chức vi phạm không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật, thời hiệu xử lý kỷ luật được quy định như sau:
- 02 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
- 05 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp bị áp dụng thời hiệu 02 năm nêu trên.
Câu hỏi 3: Anh A ngụ xã B muốn biết trong trường hợp nào thì công chức vi phạm trong trường hợp nào thì không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 16 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 thì các hành vi vi phạm của công chức không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật gồm có:
- Cán bộ, công chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ.
- Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ.
- Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.
Câu hỏi 4: Xin cho biết, nếu công chức A đang bị kỷ luật thì có được xem xét nâng ngạch, quy hoạch bổ nhiệm hay không?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 quy định cán bộ, công chức bị kỷ luật thì xử lý như sau:
- Trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo hoặc hạ bậc lương thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.
- Trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức giáng chức hoặc cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.
- Hết thời hạn quy định trong các trường hợp nêu trên, cán bộ, công chức không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiếp tục thực hiện nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.
- Cán bộ, công chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được ứng cử, đề cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch hoặc thôi việc.
Câu hỏi 5: Đề nghị cho biết pháp luật quy định như thế nào về hợp đồng làm việc đối với người được tuyển dụng làm viên chức?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 quy định các loại hợp đồng làm việc đối với người được tuyển dụng làm viên chức như sau:
- Hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.
- Hợp đồng làm việc xác định thời hạn áp dụng đối với người được tuyển dụng làm viên chức kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020, trừ trường hợp cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức do được tiếp nhận, bổ nhiệm vào vị trí việc làm được pháp luật quy định là công chức theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 của Luật Viên chức năm 2010; người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
- Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2020.
- Cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức do được tiếp nhận, bổ sung vào vị trí việc làm được pháp luật quy định là công chức theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 58 của Luật Viên chức năm 2010.
- Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Câu hỏi 6: Chị B ký kết hợp đồng lao động với cơ quan X đến nay đã hết hợp đồng. Vây cho hỏi khi hết thời hạn của hợp đồng làm việc mà người sử dụng không ký kết tiếp hợp đồng thì viên chức được hưởng quyền lợi như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 6 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 quy định viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm khi đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức, hết thời hạn của hợp đồng nhưng người sử dụng lao động không ký kết tiếp hợp đồng làm việc.
Câu hỏi 7: Xin cho tôi biết thời hiệu xử lý kỷ luật đối với viên chức vi phạm được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 7 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 quy định thời hiệu xử lý kỷ luật đối với viên chức vi phạm như sau:
1. Khái niệm:
Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì viên chức có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật. Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm.
Thời hạn xử lý kỷ luật đối với viên chức là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm của viên chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền.
Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 90 ngày; trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày.
2. Thời hiệu: Trừ trường hợp viên chức vi phạm không bị áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật, thời hiệu xử lý kỷ luật viên chức được quy định như sau:
- 02 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
- 05 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp nêu trên.
Câu hỏi 8: Anh C hỏi viên chức vi phạm trong trường hợp nào thì không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 7 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 quy định các hành vi vi phạm của viên chức không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật gồm có:
- Viên chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ.
- Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ.
- Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.
Câu hỏi 9: Viên chức Đ làm việc tại cơ quan Y đang bị kỷ luật thì có được xem xét đưa vào quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm hay không?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 8 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 quy định viên chức bị kỷ luật thì xử lý như sau:
- Trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo thì không thực hiện việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.
- Trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức cách chức thì không thực hiện việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.
Câu hỏi 9: Chị F hỏi nội dung, cách thức tiến hành đánh giá viên chức được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 quy định nội dung, cách thức tiến hành đánh giá viên chức như sau:
1. Các nội dung đánh giá:
- Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết, theo kế hoạch đề ra hoặc theo công việc cụ thể được giao; tiến độ, chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể.
- Việc thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp.
- Tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, tinh thần hợp tác với đồng nghiệp và việc thực hiện quy tắc ứng xử của viên chức.
- Việc thực hiện các nghĩa vụ khác của viên chức.
Ngoài ra, đối với viên chức quản lý, còn được đánh giá theo các nội dung về năng lực quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ; kế hoạch làm việc theo năm, quý, tháng và kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý; việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cá nhân phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp phụ trách. Mức xếp loại chất lượng của cá nhân không cao hơn mức xếp loại chất lượng của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp phụ trách.
2. Việc đánh giá viên chức được thực hiện như sau:
- Đánh giá hàng năm; đánh giá trước khi kết thúc thời gian tập sự, ký kết tiếp hợp đồng làm việc, thay đổi vị trí việc làm; đánh giá trước khi xét khen thưởng, kỷ luật, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch.
- Căn cứ vào đặc thù công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức ban hành hoặc giao người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp sử dụng viên chức ban hành quy định đánh giá viên chức theo quý, tháng hoặc tuần phù hợp với đặc thù công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình, bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan, định lượng bằng kết quả, sản phẩm cụ thể; kết quả đánh giá là căn cứ để thực hiện đánh giá viên chức quy định tại điểm a khoản này.
Câu hỏi 10: Ông A công tác tại cơ quan Z đã nghỉ hưu hơn 02 năm mới bị phát hiện hành vi vi phạm trong thời gian công tác. Cho hỏi trong trường hợp này thì bị xử lý như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 quy định việc xử lý đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu được quy định như sau:
- Mọi hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng, người có hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự, hành chính hoặc xử lý kỷ luật.
- Cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm gắn với hệ quả pháp lý tương ứng với hình thức xử lý kỷ luật.
Việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 được thực hiện theo quy định của Luật này.
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 12 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 quy định cán bộ phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm; trường hợp bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị kết án về tội phạm tham nhũng thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
Câu hỏi 12: Đề nghị cho biết việc xếp loại chất lượng công chức được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Khoản 12 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019, việc xếp loại chất lượng công chức được quy định như sau:
1. Các mức xếp loại:
- Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ;
- Hoàn thành tốt nhiệm vụ;
- Hoàn thành nhiệm vụ;
- Không hoàn thành nhiệm vụ.
2. Kết quả xếp loại chất lượng công chức được lưu vào hồ sơ công chức, thông báo đến công chức được đánh giá và được thông báo công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức công tác.