Họp Ban Chỉ đạo Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn thành phố Cần Thơ

Nhằm thực hiện có hiệu quả Luật Giám định tư pháp và các văn bản có liên quan, đảm bảo xây dựng đội ngũ người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp đủ về số lượng, đạt tiêu chuẩn về chất lượng, đáp ứng nhu cầu của cơ quan trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định. Qua đó, góp phần vào quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hình sự, hành chính.  
 
 
Thực hiện ý kiến của Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn thành phố Cần Thơ, ngày 02 tháng 6 năm 2021 Sở Tư pháp thành phố - cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án tổ chức họp Ban Chỉ đạo Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn thành phố Cần Thơ với thành phần tham dự có đồng chí Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Giám định tư pháp; thành viên Ban Chỉ đạo Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn thành phố Cần Thơ (kiện toàn tại Quyết định số 953/QĐ-UBND ngày 07/5/2021); thành viên Tổ Thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo (kiện toàn tại Quyết định số 94/QĐ-BCĐ ngày 13/5/2021); đại diện Ban Nội chính Thành ủy; Giám đốc Trung tâm pháp y thành phố; Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự - Công an thành phố; Công ty Cổ phần tư vấn Xây dựng ACI…
Tại cuộc họp đồng chí Châu Thị Minh - Phó Giám đốc Sở Tư pháp thông qua dự thảo báo cáo tình hình thực hiện công tác giám định tư pháp trên địa bàn thành phố. Theo đó, dự thảo báo cáo đã ghi nhận những kết quả thực hiện công tác giám định như sau: số lượng giám định viên tư pháp trên địa bàn thành phố Cần Thơ là 140 người; tổ chức giám định viên tư pháp theo vụ việc là 38 người; số lượng vụ việc giám định từ đầu năm 2021 đến nay, các tổ chức giám định và giám định viên tư pháp thực hiện giám định 864 vụ việc, trong đó lĩnh vực pháp y với 293 vụ việc, Kỹ thuật hình sự với 452 vụ việc, Pháp y tâm thần với 119 vụ việc. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được còn có những khó khăn như: chưa được xây dựng Quy chế phối hợp giữa cơ quan tiến hành tố tụng với cơ quan, tổ chức, người giám định tư pháp; đa số các giám định viên đều kiêm nhiệm, phải tập trung cho công tác chuyên môn nên còn hạn chế về nghiệp vụ giám định; việc thực hiện xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp, thành phố đã quan tâm, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực giám định tư pháp nhưng đến nay chưa có giám định viên tư pháp nào đăng ký thành lập Văn phòng giám định tư pháp…
Sau khi thông qua dự thảo báo cáo, chủ trì cuộc họp đồng chí Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Giám định tư pháp gợi ý thảo luận đến các đại biểu tham dự cuộc họp những nội dung trao đổi về công tác giám định tư pháp và đề xuất phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Trong suốt thời gian diễn ra cuộc họp, các đại biểu tham dự chấp hành nghiêm chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo sự hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền