Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022

      Ngày 10/01/2022, Chính phủ vừa ban hành  Nghị quyết số 02/NQ-CP  về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.
 
     Trong đó, Mục tiêu tổng quát là: Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao vị trí của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, thích ứng với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19; tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân. Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19; kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh. Đến năm 2025, phấn đấu thứ hạng năng lực cạnh tranh như sau: Năng lực cạnh tranh 4.0 (của WEF) thuộc Nhóm 50 nước đứng đầu. Phát triển bền vững (của UN) thuộc Nhóm 40 nước đứng đầu. Năng lực Đổi mới sáng tạo (của WIPO) thuộc Nhóm 40 nước đứng đầu. Chính phủ điện tử (của UN) thuộc Nhóm 60 nước đứng đầu. Quyền tài sản (của Liên minh quyền tài sản) thuộc Nhóm 60 nước đứng đầu. Hiệu quả logistics (của WB) tăng ít nhất 4 bậc. Năng lực cạnh tranh du lịch (của WEF) thuộc Nhóm 50 nước đứng đầu. An toàn an ninh mạng (của ITU) tăng ít nhất 3 bậc. 

      Mục tiêu cụ thể trong năm 2022 là: Cải thiện chất lượng, nâng cao thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh đồng bộ với cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Moody’s, S&P và Fitch; Về cải thiện Năng lực cạnh tranh 4.0 (GCI 4.0) theo xếp hạng của WEF: Nâng cao điểm số và duy trì thứ hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật (gọi tắt là B1); Nâng xếp hạng chỉ số Kiểm soát tham nhũng (B2) lên 10 bậc; Nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng quản lý hành chính đất đai (B3) lên ít nhất 1 bậc; Nâng xếp hạng nhóm chỉ số Hạ tầng (B4) lên 2-3 bậc; Nâng xếp hạng nhóm chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin (B5) lên 2-3 bậc; Nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng đào tạo nghề (B6) lên ít nhất 5 bậc; Nâng xếp hạng chỉ số vốn hóa thị trường chứng khoán (B7) lên 2-3 bậc; Nâng xếp hạng chỉ số Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (B8) lên 2-3 bậc; Nâng xếp hạng chỉ số Tăng trưởng về doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (B9) lên 2-3 bậc; Nâng xếp hạng chỉ số Doanh nghiệp có ý tưởng sáng tạo mới đột phá (B10) lên 2-3 bậc; Nâng xếp hạng chỉ số Tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (B11) lên 2-3 bậc; Về cải thiện Năng lực Đổi mới sáng tạo (GII) theo xếp hạng của WIPO: Nâng xếp hạng nhóm chỉ số Hạ tầng công nghệ thông tin (gọi tắt là C1) lên ít nhất 5 bậc; Nâng xếp hạng chỉ số Tuyển dụng lao động thâm dụng tri thức (C2) lên ít nhất 5 bậc; Nâng xếp hạng chỉ số Hợp tác nghiên cứu nhà trường - doanh nghiệp (C3) lên 2-3 bậc; Nâng xếp hạng chỉ số Chất lượng môi trường (C4) lên 10 bậc; Nâng xếp hạng chỉ số Công nghệ thông tin và sáng tạo trong mô hình của tổ chức (C5) lên 2-3 bậc; Nâng xếp hạng nhóm chỉ số Sáng tạo trực tuyến (C6) lên ít nhất 5 bậc; Nâng xếp hạng nhóm chỉ số Giáo dục đại học (C7) lên ít nhất 5 bậc; Nâng xếp hạng chỉ số Nhập khẩu dịch vụ ICT (C8) và xuất khẩu dịch vụ ICT (C9) lên ít nhất 5 bậc; Về cải thiện Quyền tài sản (IPRI) theo xếp hạng của Liên minh quyền tài sản: Cải thiện xếp hạng chỉ số Độc lập tư pháp (gọi tắt là D1); Nâng xếp hạng nhóm chỉ số Quyền tài sản vật chất (D2) lên ít nhất 5 bậc; Nâng xếp hạng nhóm chỉ số Quyền sở hữu trí tuệ (D3) lên 2-3 bậc; Tăng điểm số các chỉ số thuộc Mục tiêu 9 về Công nghiệp, sáng tạo và phát triển bền vững theo xếp hạng Phát triển bền vững của UN.

       Để đạt mục tiêu đề ra, Nghị quyết  nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây: Cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh. Tập trung dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật. Tiếp tục thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Đẩy mạnh cải cách về đăng ký đất đai và đổi mới quản lý hành chính đất đai. Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính. Tăng cường cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh gắn với đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương và kiểm tra, giám sát. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm tạo chuyển biến vững chắc đối với các chỉ tiêu phát triển bền vững. Tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19. Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế gắn với thực hiện cải cách trong nước về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia./.
                                                                              Phòng Nghiệp vụ 1-STP