BỘ CÂU HỎI TÌNH HUỐNG VÀ GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ NGHĨA VỤ QUÂN SỰ

 

SỞ TƯ PHÁP – CƠ QUAN THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT THÀNH PHỐ CẦN THƠ

 

BỘ CÂU HỎI TÌNH HUỐNG VÀ GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT

VỀ NGHĨA VỤ QUÂN SỰ

 

Tổng số: 14 Tình huống

 

1. Hỏi: Tôi có con trai tốt nghiêp phổ thông trung học muốn cho con đi nghĩa vụ quân sự, Vậy đề nghị cho biết độ tuổi, tiêu chuẩn, thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự hiện nay?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 30, Điều 31, Điều 21 Luật Nghĩa vụ Quân sự năm 2015, độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự của công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi. Ngoài đáp ứng điều kiện về độ tuổi nêu trên, công dân được gọi nhập ngũ phải đáp ứng 4 điều kiện sau: Có lý lịch rõ ràng; Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Có đủ sức khỏe để phục vụ tại ngũ; Có trình độ văn hóa phù hợp.Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng. Trong trường hợp cần bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu hoặc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn thì thời hạn nêu trên có thể được kéo dài thêm tối đa 06 tháng. Thời gian phục vụ tại ngũ được tính từ ngày giao, nhận quân đến ngày được cấp có thẩm quyền quyết định xuất ngũ.

2. Hỏi: Tôi vừa mới tốt nghiệp đại học ngành y, chưa xin được việc làm có phải đi nghĩa vụ quân sự không?

Trả lời: 

Công dân theo học tại các trường cao đẳng, đại học hệ chính quy, đã được tạm hoãn theo điều điểm g Khoản 1 Điều 41 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015.  Khi đã hết thời gian tạm hoãn, nếu đảm bảo các tiêu chuẩn quy định thì thì phải tham gia nghĩa vụ quân sự.

3. Hỏi: Anh A đang cư trú tại xã X muốn biết khi tôi tham gia nghĩa vụ quan sự thì được quyền lợi gì?

Trả lời:

Khi tham gia nghĩa vụ quân sự, quyền lợi được quy định cụ thể tại Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, Nghị định 204/2004/NĐ-CP, Nghị định 27/2016/NĐ-CP.

Theo đó, trong thời gian tại ngũ:

Được nghỉ phép hàng năm:

- Hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ từ tháng thứ 13 trở đi nghỉ phép hàng năm; thời gian nghỉ là 10 ngày (không kể ngày đi và về).

- Hạ sĩ quan, binh sĩ đã nghỉ phép năm theo chế độ, nếu gia đình gặp thiên tai, hỏa hoạn nặng hoặc người thân từ trần, mất tích hoặc hạ sĩ quan, binh sĩ lập được thành tích đặc biệt xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ thì được nghỉ phép đặc biệt, thời gian không quá 05 ngày (không kể ngày đi và về).

- Được thanh toán tiền tàu, xe, tiền phụ cấp đi đường theo quy định hiện hành.

Không mất phí chuyển bưu phẩm, tiền: Miễn tiền cước khi chuyển tiền, bưu phẩm, bưu kiện; được cấp 04 tem thư/tháng.

Khi tham gia tuyển sinh được cộng điểm ưu tiên.

Trước khi nhập ngũ là thành viên hộ nghèo, học sinh, sinh viên nếu vay tiền từ Ngân hàng Chính sách xã hội thì được tạm hoãn trả và không tính lãi suất trong thời gian tại ngũ.

Chế độ đối với thân nhân

- Nhà ở gặp tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai dẫn đến sập, hư hỏng: Trợ cấp 03 triệu đồng/suất/lần.

- Thân nhân bị ốm đau từ 01 tháng trở lên hoặc điều trị 01 lần tại bệnh viện từ 07 ngày trở lên: Trợ cấp 500.000 đồng/thân nhân/lần.

- Thân nhân từ trần, mất tích: Trợ cấp 02 triệu đồng/người.

- Con đẻ, con nuôi hợp pháp: Được miễn, giảm học phí.

- Cha đẻ, mẹ đẻ; cha đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc của chồng sẽ được ngân sách nhà nước đảm bảo tham gia BHYT.

Được hưởng phụ cấp hàng tháng:

Phụ cấp quân hàm hiện được thực hiện theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP. Cụ thể, được tính theo hệ số nhân với mức lương cơ sở. Hiện nay, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng. Do đó, mức phụ cấp cụ thể như sau:

- Binh nhì có hệ số phụ cấp là 0,4 => hưởng mức phụ cấp 596.000 đồng/tháng

- Binh nhất có hệ số phụ cấp là 0,45 => hưởng mức phụ cấp 670.500 đồng/tháng

- Hạ sĩ có hệ số phụ cấp là 0,5 => hưởng mức phụ cấp 745.000 đồng/tháng

- Trung sĩ có hệ số phụ cấp là 0,6 => hưởng mức phụ cấp 894.000 đồng/tháng

- Thượng sĩ có hệ số phụ cấp là 0,7 => hưởng mức phụ cấp 1.043.000 đồng/tháng.

Khi người tham gia nghĩa vụ quân sự xuất ngũ:

Được nhận các khoản trợ cấp

- Trợ cấp xuất ngũ một lần: Cứ mỗi năm phục vụ trong Quân đội, hạ sĩ quan, binh sĩ khi xuất ngũ được trợ cấp bằng 02 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm xuất ngũ.

Phục vụ tại ngũ từ tháng thứ 25 đến dưới 30 tháng được trợ cấp thêm 01 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng; Phục vụ tại ngũ đủ 30 tháng được trợ cấp thêm 02 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng.

- Trợ cấp tạo việc làm: Mức trợ cấp bằng 06 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm xuất ngũ.

- Khi xuất ngũ, được đơn vị tiễn và đưa về địa phương nơi cư trú hoặc được cấp tiền tàu, xe và phụ cấp đi đường.

Được hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm

Hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự, sau khi xuất ngũ:

- Được tiếp nhận vào học tiếp tại các trường mà trước khi nhập ngũ đang học hoặc có giấy gọi.

- Nếu có nhu cầu đào tạo nghề và đủ điều kiện thì được hỗ trợ đào tạo nghề.

- Được tiếp nhận vào làm việc, bố trí việc làm tại nơi trước khi nhập ngũ đang làm. Được đảm bảo thu nhập, tiền lương, tiền công…

- Hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ khi về địa phương được ưu tiên sắp xếp việc làm và cộng điểm trong tuyển sinh, tuyển dụng công chức, viên chức; Trong thời gian tập sự được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của ngạch tuyển dụng tương ứng với trình độ đào tạo.

 

4. Hỏi: Con ông C đang chuẩn bị vào trường Đại học A tuy nhiên hiện tại cháu C không muốn đi học mà cháu muốn tham gia nghĩa vụ quân sự. Như vậy cháu có được tham gia không? Ngoài ra, cháu chưa đăng ký nghĩa vụ lần nào, vậy cháu có bị phạt không?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản g, khoản 1 Điều 41 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015:

1. Tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với những công dân sau đây:

g) Đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo.

Theo quy định tại khoản 5, Điều 1 Thông tư liên tịch 13/2013/TTLT-BGDĐT-BQP , khi làm thủ tục nhập học tại các trường đại học thì bạn phải mang những giấy tờ sau:

“5. Khoản 6 Điều 3 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Trách nhiệm của công dân:

a) Công dân đến trường làm thủ tục nhập học phải mang theo Giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự do Ban chỉ huy quân sự cấp huyện cấp, Giấy xác nhận đăng ký vắng mặt do Ban chỉ huy quân sự cấp xã nơi cư trú cấp;

b) Công dân đã nhập ngũ vào Quân đội, nếu có Giấy báo nhập học vào các trường đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề trước hoặc sau thời điểm nhập ngũ thì báo cáo đơn vị quản lý biết để thông báo cho nhà trường (nơi phát hành Giấy báo nhập học) bảo lưu kết quả trúng tuyển của thí sinh đến khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ theo quy định tại Khoản 4 Điều 56 Luật Nghĩa vụ quân sự”.

Để được cấp giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu bạn phải bạn phải thực hiện thủ tục theo quy định tại Điều 4 Nghị định 13/2016/NĐ-CP.

Như vậy, con ông C chưa đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu tuy nhiên đây không phải do lỗi của ông không tới đăng ký, do cơ quan có thẩm quyền không gửi thông báo đến cho gia đình ông do đó con ông sẽ không bị xử phạt hành chính về hành vi không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu. Nếu con ông muốn cấp giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu thì con ông tới Ban chỉ huy quân sự cấp xã để thực hiện thủ tục cấp giấy đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu.

5. Hỏi: Người nhà tôi có cháu trai năm nay 18 tuổi khi có lệnh gọi nhập ngũ nhưng không muốn tham gia nghĩa vụ quân sự nên đã trốn đi nơi khác. Vậy cho hỏi cháu bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 120/2013/NĐ-CP, xử phạt hành chính về vi phạm quy định về nhập ngũ:

1. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.500.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có ly do chính đáng.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chấp hành lệnh gọi nhập ngũ đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.

 Như vậy, trường hợp trốn tránh nhập ngũ theo lệnh gọi nghĩa vụ quân sự thì sẽ bị xử phạt hành chính và buộc phải nhập ngũ. Nếu đã bị xử phạt mà tiếp tục trốn tránh thì tùy trường hợp cụ thể, còn có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

6. Hỏi: Em học Trung cấp nghề đã tốt nghiệp và hiện tại em đang công tác tại viện nghiên cứu khoa học thuộc đại học Quốc gia, em bị cận thị 2,25 độ và chiều cao, cân nặng thuộc dạng quá gầy. Vậy em có được tạm hoãn hay miễn nghĩa vụ quân sự không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 148/2018/TT-BQP quy định tiêu chuẩn tuyển quân như sau:

1. Tuổi đời:

a) Công dân từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi.

b) Công dân nam được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo thì tuyển chọn và gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.

2. Tiêu chuẩn chính trị:

a) Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 50/2016/TTLT-BQP-BCA ngày 15 tháng 4 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Bộ trưởng Bộ Công an quy định tiêu chuẩn chính trị tuyển chọn công dân vào phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

b) Đối với các cơ quan, đơn vị và vị trí trọng yếu cơ mật trong Quân đội; lực lượng Tiêu binh, Nghi lễ; lực lượng Vệ binh và Kiểm soát quân sự chuyên nghiệp thực hiện tuyển chọn theo quy định của Bộ Quốc phòng.

3. Tiêu chuẩn sức khỏe:

a) Tuyển chọn những công dân có sức khỏe loại 1, 2, 3 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.

b) Đối với các cơ quan, đơn vị, vị trí quy định tại Điểm b, Khoản 2 Điều này, thực hiện tuyển chọn bảo đảm tiêu chuẩn riêng theo quy định của Bộ Quốc phòng.

c) Không gọi nhập ngũ vào Quân đội những công dân có sức khỏe loại 3 tật khúc xạ về mắt (cận thị 1,5 diop trở lên, viễn thị các mức độ); nghiện ma tý, nhiễm HIV, AIDS.

Như vậy theo quy định trên thì bạn thuộc trường hợp không gọi nhập ngũ vào quân đội.

 

7. Hỏi: Tôi đã tham gia đi nghĩa vụ quân sự hơn một năm. Vậy cho tôi hỏi điều kiện để xuất ngũ trước thời hạn đối với binh sĩ hiện nay quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định điều kiện xuất ngũ là hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ có thể được xuất ngũ trước thời hạn khi được Hội đồng giám định y khoa quân sự kết luận không đủ sức khỏe để tiếp tục phục vụ tại ngũ hoặc các trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1; các điểm a, b và c khoản 2 Điều 41 của Luật này.

8. Hỏi: Tôi năm nay 17 tuổi không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu đối với công dân thuộc diện đăng ký nghĩa vụ. Vậy tôi có bị phạt không và mức phạt như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 120/2013/NĐ-CP, xử phạt hành chính về vi phạm các quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự:

1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu đối với công dân nam đủ 17 tuổi trong năm thuộc diện phải đăng ký nghĩa vụ quân sự.

2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Không đăng ký bổ sung khi có sự thay đổi về họ tên, địa chỉ nơi ở, nơi làm việc theo quy định;

c) Không thực hiện đăng ký di chuyển trước khi di chuyển nơi cư trú theo quy định;

d) Không thực hiện đăng ký vào ngạch dự bị theo quy định.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc đăng ký nghĩa vụ quân sự, đăng ký bổ sung, đăng ký di chuyển, đăng ký vào ngạch dự bị đối với hành vi quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này.

9. Hỏi: con Ông A nhận được Giấy gọi sơ tuyển thực hiện nghĩa vụ quân sự năm 2022 nhưng ông không muốn cho con đi nghĩa vụ quân sự nên chậm trễ không đúng thời gian quy định để dự sơ tuyển. Tôi đề nghị cho biết có bị phạt hành chính không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 120/2013/NĐ-CP, xử phạt hành chính về vi phạm quy định sơ tuyển thực hiện nghĩa vụ quân sự:

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung sơ tuyển ghi trong giấy gọi sơ tuyển thực hiện nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện sơ tuyển nghĩa vụ quân sự theo kế hoạch của Hội đồng nghĩa vụ quân sự đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.

10. Hỏi: Do việc chậm trễ, không thực hiện đúng thời gian quy định để về kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, thanh niên X còn cấu kết với cán bộ ý tế gian dối làm sai lệnh kết quả khám sức khỏe của mình nhằm trốn nghĩa vụ quân sự. Cho hỏi thanh niên X có bị phạt không? mức quy định phạt như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 120/2013/NĐ-CP, xử phạt hành chính về vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự:

1. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong giấy gọi kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Người khám sức khỏe gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự;

b) Đưa tiền hoặc các lợi ích vật chất khác cho cán bộ, nhân viên y tế để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự;

c) Cán bộ, nhân viên y tế cố ý làm sai lệch các yếu tố về sức khỏe của người khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện kiểm tra hoặc khám sức khỏe theo kế hoạch của Hội đồng nghĩa vụ quân sự đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp mà cán bộ, nhân viên y tế có được đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này;

c) Buộc thực hiện lại việc khám sức khỏe đối với người được khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự quy định tại Điểm a, Điểm b, Điểm c Khoản 2 Điều này.

11. Hỏi: Quân nhân B đang làm nghĩa vụ quân sự tại Trung đoàn X đào ngũ nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng. Trong trường này xử lý quân nhân B như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 120/2013/NĐ-CP, xử phạt hành chính về vi phạm quy định về thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ:

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Đào ngũ khi đang làm nghĩa vụ quân sự phục vụ tại ngũ trong thời bình nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng, mà đơn vị quân đội cấp Trung đoàn và tương đương đã gửi giấy thông báo đào ngũ và cắt quân số cho Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan quân sự cấp huyện;

b) Chứa chấp, bao che quân nhân đào ngũ.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hoàn trả toàn bộ quân trang được cấp và buộc phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật nghĩa vụ quân sự đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này.

12. Hỏi: Còn mấy ngày nữa là phải nhập ngũ. Bây giờ em mà trốn nghĩa vụ quân sự thì có bị truy cứu trách nhiệm hành sự hay không?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 120/2013/NĐ-CP, xử phạt hành chính về vi phạm quy định về nhập ngũ. Buộc chấp hành lệnh gọi nhập ngũ đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này. Nếu sau khi xử phạt hành chính mà vẫn trốn tránh nghĩa vụ quân sự thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự, theo quy định tại Điều 332 của Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017:

1. Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình;

b) Phạm tội trong thời chiến;

c) Lôi kéo người khác phạm tội.

 

13. Hỏi: Tôi có nhận được quyết định đi đào tạo sĩ quan dự bị. Nhưng tôi không lên tập trung đào tạo và đã kết thúc khóa học này rồi. Vậy tôi có phải chịu hình thức xử lý nào không? 

 Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 5 Điều 11 Nghị định 120/2013/NĐ-CP, xử phạt hành chính về vi phạm quy định về đào tạo sĩ quan dự bị:

1. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm ghi trong giấy gọi kiểm tra sức khỏe để tuyển chọn hoặc quyết định đi đào tạo sĩ quan dự bị mà không có lý do chính đáng.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc chấp hành giấy gọi kiểm tra sức khỏe để tuyển chọn hoặc buộc chấp hành quyết định đi đào tạo sĩ quan dự bị đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này;

14. Hỏi: Anh H là cán bộ xã A sơ xuất trong việc lập danh sách không đầy đủ, chính xác số lượng công dân thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự, sau đó công dân C đến thực hiện đăng ký nghĩa vụ. Vậy cho biết anh cán bộ xã A có bị xử lý không? hình thức xử lý như thế nào? 

 Trả lời:

Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 120/2013/NĐ-CP, xử phạt hành chính về vi phạm quy định về thực hiện nghĩa vụ quân sự:

1. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không bố trí sắp xếp thời gian, không tạo điều kiện cho công dân thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự, sơ tuyển nghĩa vụ quân sự, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự, thực hiện lệnh gọi nhập ngũ.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc bố trí, tạo điều kiện cho công dân thực hiện chế độ đăng ký, sơ tuyển nghĩa vụ quân sự, thực hiện việc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, chấp hành lệnh gọi nhập ngũ theo quy định của pháp luật đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.