SỞ TƯ PHÁP – CƠ QUAN THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BỘ CÂU HỎI TÌNH HUỐNG VÀ GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT
PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG TRONG BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015 (SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NĂM 2017)
Tổng số: 11 Tình huống
Câu hỏi 1. Mấy hôm nay, cả khu phố A xôn xao về chuyện B là thủ kho của Công ty TNHH xuất nhập khẩu C đã tự ý bán một số máy móc, thiết bị trong kho của công ty để lấy tiền tiêu xài. B bị truy cứu về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Một số người thắc mắc không biết có đúng là B phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn không vì B không có chức vụ gì mà chỉ là nhân viên thủ kho. Xin hỏi thế nào là người có chức vụ và tội phạm về chức vụ được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời:
Các tội phạm về chức vụ được quy định tại Chương XXIII Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó Điều 352 quy định khái niệm tội phạm về chức vụ như sau:
- Các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.
- Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.
Trong trường hợp này, B lợi dụng mình là thủ kho đã tự ý bán tài sản của công ty mà mình có trách nhiệm quản lý. Hành vi của B là hành vi tham ô tài sản. Nếu số tài sản B chiếm đoạt mang đi bán có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng trước đó B đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội phạm tham nhũng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì B phạm tội Tham ô tài sản được quy định tại Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Đây là tội thuộc loại tội phạm chức vụ.
Câu hỏi 2. Ông A muốn biết tội như thế nào gọi là tội tham ô tài sản?
Trả lời:
Tội tham ô tài sản là hành vi cố ý của người có trách nhiệm quản lý tài sản lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội phạm tham nhũng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Người phạm tội phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên và không trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi phạm tội (Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)).
Tội phạm đã xâm hại đến huan hệ sở hữu tài sản của Nhà nước, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức được pháp luật bảo vệ.
Biểu hiện của hành vi phạm tội: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. Tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội phạm tham nhũng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Người phạm tội: Từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự.
Mục đích của hành vi phạm tội: Tư lợi cá nhân với lỗi cố ý.
Câu hỏi 3. Công ty ABC là một nhà thầu lớn trong lĩnh vực xây dựng đã tham gia thi công nhiều dự án giao thông quan trọng. Được biết Dự án xây dựng công trình trụ sở cơ quan của tỉnh X sắp được triển khai. Công ty ABC đã gặp gỡ ông G là Trưởng Ban Quản lý Dự án đưa hối lộ 200 triệu đồng và thỏa thuận nếu trúng thầu sẽ chi 30% giá trị gói thầu. Vụ việc bị phát hiện, cơ quan có thẩm quyền đã truy cứu ông G về tội nhận hối lộ. Xin hỏi ông G sẽ phải đối diện với mức phạt tù bao nhiêu năm?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định về tội nhận hối lộ như sau:
- Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
+ Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
+ Lợi ích phi vật chất.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
+ Có tổ chức;
+ Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
+ Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
+ Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
+ Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
+ Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
+ Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
- Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
- Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định nêu trên.
Đối chiếu quy định trên, tùy thuộc vào giá trị gói thầu mà ông G sẽ bị áp dụng mức xử lý phù hợp.
Câu hỏi 4. Ngân hàng chính sách xã hội huyện H ký Hợp đồng ủy thác với Hội Liên hiệp phụ nữ xã X về việc thực hiện một số nội dung công việc cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách trong xã X xay tiền. Trong nội dung ủy thác không có nhiệm vụ thu tiền gốc và tiền lãi của các hộ dân. Tuy nhiên, bà H là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã X đã lợi dụng sự tin tưởng của các hộ dân nên đứng ra thu tiền giúp các hộ dân trả cho Ngân hàng. Sau khi nhận được tiền, H không nộp Ngân hàng mà đã chiếm đoạt và sử dụng hết. Tổng số tiền H đã chiếm đoạt là 250.000.000 đồng của 10 hộ dân. Xin hỏi, bà H phạm tội gì và sẽ bị pháp luật xử lý như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 355 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì bà H phạm tội “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản ”.
Với hành vi phạm tội này, bà H sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều luật này.
Khoản 2 Điều 355 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:
+ Có tổ chức;
+ Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
+ Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn”.
Ngoài ra, bà H còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (theo quy định tại khoản 5 Điều 355 Bộ Luật hình sự).
Câu hỏi 5. Ông A ở xã X là người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ sẽ bị áp dụng hình phạt như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì hình phạt áp dụng đối với người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Tùy theo tính chất, mức độ và giá trị tài sản bị thiệt hại mà người vi phạm có thể bị áp dụng hình phạt chính là cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn và hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định hoặc phạt tiền. Cụ thể như sau:
- Hình phạt chính:
+ Cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm trong trường hợp gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
+ Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau: (1)Có tổ chức; (2)Phạm tội 02 lần trở lên; (3) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
+ Phạt tù từ 10 năm đến 15 năm nếu gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên.
- Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Câu hỏi 6. Thế nào là tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ? Người phạm tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ bị xử phạt như thế nào?
Trả lời:
Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ là hành vi của người của người có trách nhiệm thi hành công vụ vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (Điều 357 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)).
Ví dụ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã X đã cho 5 hộ gia đình thuê đất công ích để làm nhà ở lâu dài và thu của mỗi hộ gia đình 100 triệu đồng để tiêu dùng cá nhân.
Tùy theo tính chất, mức độ thiệt hại mà người phạm tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ có thể bị áp dụng hình phạt như sau:
a) Phạt tù từ 01 năm đến 07 năm, phạm tội thuộc một trong các trường hợp gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
+ Có tổ chức;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
c) Phạt tù từ 10 năm đến 15 năm đối với trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
d) Phạt tù từ 15 năm đến 20 năm đối với trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 358 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì ông K phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi được.
Theo quy định tại Điều luật này, tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn cố ý trực tiếp hoặc qua trung gian đòi, nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, rồi dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa.
Người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi bị xử phạt như sau:
Hình phạt chính:
1. Phạt tù từ 01 năm đến 06 năm, phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất;
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân trường hợp phạm tội:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Câu hỏi 8. Tại ca trực đêm, bác sĩ H đã tiếp nhận một sản phụ đến bệnh viện sinh con. Sản phụ đau nhiều, sức khỏe yếu, có tiền sử bệnh tim nên gia đình đề nghị sinh mổ. Do muốn nghỉ ngơi nên bác sĩ H cho rằng cần để theo dõi thêm và sản phụ có thể sinh thường. Sáng hôm sau, sản phụ không thể chịu đựng được và tha thiết được sinh mổ. Tuy nhiên, do phẫu thuật muộn, bệnh nhân đã kiệt sức và tử vong, thai nhi yếu phải chuyển lên tuyến trên cấp cứu. Gia đình nạn nhân đã có đơn tố cáo đến công an đề nghị xử lý hình sự đối với bác sĩ H. Xin hỏi, bác sĩ H có phạm tội không? Nếu có thì phạm tội gì?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 360 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) Bác sĩ H phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng:
- Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật hình sự (về các tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; Tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng; tội thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn) thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
+ Làm chết người;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
+ Làm chết 02 người;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
+ Làm chết 03 người trở lên;
+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
+ Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
- Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Câu hỏi 9. Đề nghị cho biết hình phạt áp dụng đối với tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 361 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác. Hình phạt đối với tội này như sau:
a) Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với người cố ý làm lộ bí mật công tác hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật công tác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 110, 337 và 342 của Bộ luật này.
b) Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm trường hợp phạm tội:
+ Có tổ chức;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên;
+ Gây thiệt hại về tài sản 100.000.000 đồng trở lên;
+ Gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của cơ quan, tổ chức;
+ Để người khác sử dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
c) Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Câu hỏi 10. Thế nào là tội đào nhiệm theo quy định của Bộ luật hình sự?
Trả lời:
“Đào nhiệm" là việc cán bộ, công chức cố ý từ bỏ nhiệm vụ công tác.
Tội đào nhiệm được quy định tại Điều 363 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Theo quy định của điều luật này người phạm tội đào nhiệm là cán bộ, công chức, viên chức mà cố ý từ bỏ nhiệm vụ công tác và hành vi đào nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Ví dụ: Chiến sĩ A được phân công đứng gác tại chốt X, do A bỏ nhiệm vụ để về nhà ăn giỗ nên đã có người đột nhập vào cơ quan X lấy đi một số tài liệu quan trọng.
Theo quy định tại Điều 363 Bộ luật hình sự quy định như sau:
1. Người nào là cán bộ, công chức, viên chức mà cố ý từ bỏ nhiệm vụ công tác gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Lôi kéo người khác đào nhiệm;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;
c) Phạm tội trong hoàn cảnh chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc trong trường hợp khó khăn đặc biệt khác của xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Câu hỏi 11. Xin hỏi, ông H đưa hối lộ cho ông Y có bị xử lý hình sự không?
Trả lời:
Tội đưa hối lộ được quy định tại Điều 364 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo Điều luật này thì tội đưa hối lộ là hành vi cố ý của người trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác, lợi ích phi vật chất để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa.
Hình phạt áp dụng đối với tội này được quy định như sau:
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm trường hợp phạm tội:
a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm các trường hợp phạm tội sau đây:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạt tù từ 07 năm đến 12 năm trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
4. Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
6. Người đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này.
7. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Như vậy, người đưa hối lộ chỉ bị xử lý hình sự khi vật đưa hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc lợi ích phi vật chất. Đối với trường hợp đưa hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá dưới 2.000.000 đồng thì người đưa hối lộ không bị xử lý hình sự mà bị xử lý hành chính.
Phòng Nghiệp vụ 1-Sở Tư pháp