SỞ TƯ PHÁP – CƠ QUAN THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT THÀNH PHỐ CẦN THƠ
BỘ CÂU HỎI TÌNH HUỐNG VÀ GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT
VỀ NGƯỜI CÓ CÔNG
Tổng số: 12 Tình huống
Hỏi: Tôi có một người bạn có cha hy sinh trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ nhưng đến nay vẫn chưa được cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” vì lý do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên gia đình không có điều kiện để làm hồ sơ, thủ tục cho cha. Nay tôi muốn làm hồ sơ cần điều kiện gì để được cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” theo đúng quy định của pháp luật.
Trả lời:
Theo quy định tại điểm a, b, c và d tại khoản 1 Điều 21 của Nghị định 131/2021/NĐ-CP hướng dẫn hồ sơ, thủ tục cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” đối với người hy sinh nhưng chưa được cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” mà thân nhân đã được giải quyết chế độ ưu đãi từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước
- Căn cứ để cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” như sau:
Một trong các giấy tờ chứng minh thân nhân đã được giải quyết chế độ ưu đãi: Quyết định hưởng trợ cấp; sổ nhận trợ cấp ưu đãi; danh sách chi trả trợ cấp hằng tháng hoặc trợ cấp một lần khi báo tử có ký nhận của người hưởng trợ cấp; giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền ban hành, xác nhận được lập từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước
Có giấy tờ quy định tại điểm a khoản này và có: Một trong các giấy tờ, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền ban hành, xác nhận là liệt sĩ, hy sinh; trường hợp có tên trong danh sách, sổ quản lý liệt sĩ không có dấu xác nhận của cơ quan, đơn vị tại thời điểm lập, ghi sổ nhưng đang do cơ quan chức năng địa phương quản lý thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tập hợp, chốt số lượng người và xác nhận danh sách, sổ quản lý liệt sĩ đang do cơ quan chức năng địa phương quản lý, hoàn thành trước ngày 01 tháng 5 năm 2022 và báo cáo số liệu theo Mẫu số 101 Phụ lục I Nghị định này về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 01 tháng 6 năm 2022.
Có giấy tờ quy định tại điểm a khoản này và có một trong các giấy tờ: giấy báo tử, giấy báo tử trận, giấy chứng nhận hy sinh hoặc có hồ sơ đang lưu tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Có giấy tờ quy định tại điểm a khoản này và có giấy xác nhận thông tin liệt sĩ trên bia ghi danh liệt sĩ từ cấp xã trở lên kèm theo các giấy tờ được cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc xác nhận để khắc bia của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đặt bia ghi danh liệt sĩ.
- Hồ sơ, thủ tục đề nghị bạn xem căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
Hỏi: Tôi có người anh thứ tư hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã được cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” và được giải quyết chế độ ưu đãi trước năm 1994, theo quy định của pháp luật trong trường hợp này cấp đổi, cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công” được giải quyết như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 23 và Điều 24 của Nghị định 131/2021/NĐ-CP quy định trường hợp cấp đổi, cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công” như sau:
Điều kiện cấp đổi Bằng “Tổ quốc ghi công”: Người hy sinh đã được cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bằng “Tổ quốc ghi ơn” của Bộ trưởng Bộ Thương binh - Cựu binh chưa được đổi thành Bằng “Tổ quốc ghi công” do Thủ tướng Chính phủ cấp; thân nhân đã được giải quyết chế độ ưu đãi từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước. Căn cứ để cấp đổi Bằng “Tổ quốc ghi công” như sau: Bản gốc Bằng “Tổ quốc ghi công” của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bằng “Tổ quốc ghi ơn” của Bộ trưởng Bộ Thương binh - Cựu binh; Một trong các giấy tờ chứng minh thân nhân đã được giải quyết chế độ ưu đãi: Quyết định hưởng trợ cấp; sổ nhận trợ cấp ưu đãi; danh sách chi trả trợ cấp hằng tháng hoặc trợ cấp một lần khi báo tử có ký nhận của người hưởng trợ cấp; giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền ban hành, xác nhận được lập từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước. Hồ sơ, thủ tục thực hiện theo mẫu quy định tại Nghị định này.
Cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công” trong các trường hợp sau: bị mất; bị thiếu thông tin do mờ chữ hoặc bị hư hại; hồ sơ, thủ tục cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công”: Đại diện thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ làm đơn đề nghị theo Mẫu số 16 Phụ lục I Nghị định này gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú (kèm theo bằng cũ nếu còn):
- Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 05 ngày làm việc có trách nhiệm xác nhận bản khai, tổng hợp, lập danh sách và tờ trình gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm lập và gửi danh sách kèm các giấy tờ theo quy định đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ liệt sĩ.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm: Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ phải kiểm tra, đối chiếu hồ sơ liệt sĩ, lập danh sách cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công” theo Mẫu số 83 Phụ lục I Nghị định này đối với những trường hợp đủ điều kiện và có đầy đủ thông tin ghi theo giấy báo tử của liệt sĩ kèm văn bản đề nghị gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận được Bằng “Tổ quốc ghi công” cấp lại, gửi Bằng “Tổ quốc ghi công” đến người đề nghị.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ thực hiện theo trách nhiệm quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 23 Nghị định này.
Hỏi: Bà A đang cư trú ở xã B có chồng là liệt sĩ hy sinh trong thời chiến tranh và đã có một người con trai, nhưng nay bà A muốn kết hôn với ông C ở cùng xã, đồng thời con trai bà đồng ý cho mẹ đi lấy chồng. Cho hỏi trường hợp này bà A làm hồ sơ, thủ tục như thế nào để được giải quyết chế độ ưu đãi là vợ liệt sĩ.
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 27 của Nghị định 131/2021/NĐ-CP quy định về hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ ưu đãi đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác:
- Cá nhân làm đơn đề nghị theo Mẫu số 17 Phụ lục I Nghị định này gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi thường trú kèm một trong các giấy tờ sau: Ý kiến đồng thuận bằng văn bản của con liệt sĩ có xác nhận về chữ ký và nơi thường trú của Ủy ban nhân dân cấp xã đối với trường hợp nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành; văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bố mẹ liệt sĩ thường trú khi còn sống và biên bản họp đồng thuận có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi lập biên bản theo Mẫu số 80 Phụ lục I Nghị định này của thân nhân liệt sĩ hoặc của những người thuộc quy định tại điểm b khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự, trường hợp những người này không còn thì của những người thuộc quy định tại điểm c khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự đối với trường hợp chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ khi còn sống. Trường hợp không đủ thành viên dự họp thì phải có ý kiến đồng thuận của người vắng mặt bằng văn bản, có xác nhận về chữ ký và nơi thường trú của Ủy ban nhân dân cấp xã. Trường hợp không chăm sóc được bố, mẹ liệt sĩ khi còn sống phải kèm theo bản sao được chứng thực từ một trong các giấy tờ chứng minh được lý do là vì hoạt động cách mạng: lý lịch cán bộ; lý lịch đảng viên; lý lịch quân nhân; hồ sơ bảo hiểm xã hội; các giấy tờ, tài liệu khác do cơ quan có thẩm quyền ban hành, xác nhận trong thời gian tham gia cách mạng.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi cá nhân thường trú trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm ban hành quyết định trợ cấp tuất hằng tháng đối với vợ hoặc chồng của liệt sĩ đã lấy chồng hoặc vợ khác theo Mẫu số 54 Phụ lục I Nghị định này. Trường hợp hồ sơ của liệt sĩ do địa phương khác quản lý thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi thường trú có văn bản đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc cung cấp bản trích lục hồ sơ liệt sĩ kèm văn bản xác nhận chưa giải quyết chế độ trợ cấp ưu đãi.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, có trách nhiệm cung cấp bản trích lục hồ sơ liệt sĩ theo Mẫu số 95 Phụ lục I Nghị định này kèm văn bản xác nhận chưa giải quyết chế độ trợ cấp ưu đãi.
Hỏi: Trường hợp Bà B có 2 người con trai hy sinh được cộng nhân là liệt sĩ và Bà B cũng được nhà nước tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” nhưng chưa nhận chế độ ưu đãi. Vậy Bà B cần cung cấp giấy tờ gì để được công nhận chế độ ưu đãi.
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 30 và Điều 31 của Nghị định 131/2021/NĐ-CP quy định hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ ưu đãi và thời điểm hưởng như sau:
Cá nhân lập bản khai theo Mẫu số 03 Phụ lục I Nghị định này kèm bản sao được chứng thực từ quyết định tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” hoặc bản sao được chứng thực từ Bằng “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú. Trường hợp “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” được tặng danh hiệu nhưng chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi thì kèm theo giấy báo tử hoặc trích lục khai tử.
- Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bản khai của cá nhân có trách nhiệm xác nhận bản khai kèm theo các giấy tờ nêu trên gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 07 ngày làm việc có trách nhiệm lập danh sách giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm ban hành quyết định trợ cấp, phụ cấp theo Mẫu số 57 Phụ lục I Nghị định này.
Thời điểm được hưởng: Bà mẹ Việt Nam anh hùng được hưởng trợ cấp, phụ cấp hằng tháng kể từ tháng Chủ tịch nước ký quyết định; bà mẹ Việt Nam anh hùng đã chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi thì đại diện thân nhân được hưởng trợ cấp một lần từ tháng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quyết định trợ cấp ưu đãi theo mức quy định tại thời điểm Chủ tịch nước ký quyết định.
Hỏi: Cha tôi được nhà nước tặng danh hiệu là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động trong thời kháng chiến. Gần đây do tuổi cao, sức yếu cha tôi lâm trọng bệnh đã chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi. Nay tôi muốn làm thủ tục để được nhận chế độ ưu đãi theo quy định pháp luật như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 32 và Điều 33 của Nghị định 131/2021/NĐ-CP quy định hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ ưu đãi và thời điểm hưởng như sau:
- Cá nhân lập bản khai theo Mẫu số 04 Phụ lục I Nghị định này kèm bản sao được chứng thực từ quyết định phong tặng hoặc truy tặng danh hiệu anh hùng hoặc bản sao được chứng thực từ Bằng anh hùng gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú; trường hợp đang phục vụ trong quân đội, công an thì gửi cơ quan, đơn vị đang trực tiếp quản lý. Trường hợp được tặng danh hiệu nhưng chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi thì kèm theo giấy báo tử hoặc trích lục khai tử.
- Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm xác nhận bản khai, gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội kèm giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này.
- Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 07 ngày làm việc có trách nhiệm lập danh sách giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ, có trách nhiệm ban hành quyết định trợ cấp ưu đãi theo Mẫu số 58 Phụ lục I Nghị định này.
- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn quy trình thực hiện chế độ ưu đãi đối với anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến đang công tác trong quân đội, công an. Thời gian xem xét, giải quyết không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được bản khai.
- Thời điểm được hưởng: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến được hưởng trợ cấp hằng tháng kể từ tháng Chủ tịch nước ký quyết định. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến đã chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi thì đại diện thân nhân được hưởng trợ cấp một lần từ tháng cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định trợ cấp ưu đãi theo mức quy định tại thời điểm Chủ tịch nước ký quyết định.
Hỏi: Tôi trực tiếp tham gia phục vụ chiến đấu với nhiệm vụ cứu thương, tải thương, tải đạn, bảo vệ hàng hóa cho chiến trường chiến đấu và bị bom mìn gây tổn thương cơ thể đến 81%. Điều kiện, tiêu chuẩn gì để tôi được hưởng chính sách thương binh.
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 34 của Nghị định 131/2021/NĐ-CP quy định điều kiện, tiêu chuẩn công nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh:
- Trực tiếp phục vụ chiến đấu quy định tại điểm a khoản 1 Điều 23 Pháp lệnh được xác định là thực hiện các nhiệm vụ trong lúc trận đánh đang diễn ra hoặc trong khi địch đang bắn phá: cứu thương, tải thương, tải đạn, đảm bảo thông tin liên lạc, bảo vệ hàng hóa và các trường hợp đảm bảo chiến đấu.
- Địa bàn địch chiếm đóng, địa bàn có chiến sự, địa bàn tiếp giáp vùng địch chiếm đóng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 23 Pháp lệnh được xác định theo quy định tại Phụ lục III Nghị định này.
- Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, diễn tập hoặc làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm quy định tại điểm g khoản 1 Điều 23 Pháp lệnh được xác định như sau:
+ Nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, diễn tập có tính chất nguy hiểm trong các trường hợp sau: bắn đạn thật, sử dụng thuốc nổ; chữa cháy; chống khủng bố, bạo loạn; giải thoát con tin; cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu thảm họa thiên tai; trong huấn luyện chiến đấu, diễn tập của lực lượng: không quân, hải quân, kiểm ngư, cảnh sát biển, đặc công, trinh sát đặc nhiệm, cảnh sát cơ động, đặc nhiệm.
+ Làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm khi: chữa cháy; chống khủng bố, bạo loạn; giải thoát con tin; cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu thảm họa thiên tai; thực hiện nhiệm vụ của kiểm ngư, cảnh sát biển; tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; rà phá, xử lý, tiêu hủy bom mìn, vật liệu nổ; nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, thử nghiệm, bảo quản, vận chuyển thuốc phóng, thuốc nổ, vũ khí, đạn dược; xây dựng công trình ngầm quốc phòng, an ninh.
- Địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo có điều kiện đặc biệt khó khăn theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 23 Pháp lệnh (sau đây gọi là địa bàn đặc biệt khó khăn) là địa bàn có điều kiện tự nhiên hiểm trở, khắc nghiệt, khó khăn để xảy ra tai nạn, bao gồm các địa bàn theo Phụ lục IV Nghị định này.
- Trực tiếp làm nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm quy định tại điểm i khoản 1 Điều 23 Pháp lệnh là trực tiếp thực thi nhiệm vụ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giao nhằm điều tra, phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ đối tượng phạm tội hoặc ngăn chặn hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự.
- Xem xét công nhận thương binh theo quy định tại điểm k khoản 1 Điều 23 Pháp lệnh bao gồm các yếu tố sau:
+ Nhận thức được đầy đủ sự nguy hiểm và tính cấp bách của sự việc.
+ Chủ động thực hiện hành vi đặc biệt dũng cảm, chấp nhận hy sinh bản thân.
+ Bảo vệ lợi ích quan trọng của Nhà nước, tính mạng và lợi ích hợp pháp của Nhân dân hoặc để ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
+ Là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội, được tặng thưởng Huân chương và được cơ quan quản lý nhà nước về người có công tổ chức phát động học tập tấm gương trong phạm vi cả nước.
- Các trường hợp khác thực hiện theo quy định tại các điểm c, d, đ, e khoản 1 Điều 23 Pháp lệnh.
Hỏi: Chồng tôi tham gia phục vụ chiến đấu chống đế quốc Mỹ vào năm 1965 mà vùng này quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc hóa học, do đó chồng tôi đã bị phơi nhiễm với chất độc này. Đề nghị cho tôi biết chồng tôi cần có điều kiện, tiêu chuẩn gì để được công nhận người hoạt động bị nhiễm chất độc hóa học.
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 53 của Nghị định 131/2021/NĐ-CP quy định điều kiện, tiêu chuẩn công nhận người hoạt động bị nhiễm chất độc hóa học:
- Người đã công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 8 năm 1961 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 tại vùng mà quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học được xác định như sau: Cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng thuộc quân đội; cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên thuộc công an; cán bộ, công nhân viên trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; thanh niên xung phong tập trung; công an xã; dân quân; du kích; tự vệ; dân công; cán bộ thôn, ấp, xã, phường.
- Địa danh thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước quy định tại khoản 2 Điều 29 Pháp lệnh bao gồm các xã: Vĩnh Quang, Vĩnh Giang, Vĩnh Tân, Vĩnh Thành, Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà, Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy.
- Danh mục bệnh, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học quy định tại khoản 2 Điều 29 Pháp lệnh được quy định tại Phụ lục V Nghị định này và có phạm vi áp dụng như sau: Các bệnh quy định từ khoản 1 đến khoản 15 Phụ lục V Nghị định này chỉ áp dụng đối với người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm với chất độc hóa học; các dị dạng, dị tật bẩm sinh quy định tại khoản 16 Phụ lục V Nghị định này và tật gai sống chẻ đôi quy định tại khoản 17 Phụ lục V Nghị định này chỉ áp dụng đối với con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm với chất độc hóa học.
Hỏi: Tôi muốn biết quy định pháp luật về đối tượng được hưởng, chế độ ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm, hồ sơ, thủ tục, quy trình giải quyết chế độ đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng để tôi tham khảo lựa chọn điều kiện phù hợp nhất cho con tôi trong việc làm.
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 91, Điều 92 và Điều 93 của Nghị định 131/2021/NĐ-CP quy định đối tượng được hưởng, chế độ ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm, hồ sơ, thủ tục, quy trình giải quyết chế độ:
- Đối tượng hưởng: Người có công quy định tại các điểm đ, e khoản 1 Điều 3 và khoản 1 Điều 38 Pháp lệnh; con của người có công quy định tại các điểm a, b, đ, e, g, h, i khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh; thân nhân liệt sĩ.
- Chế độ ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm: Chế độ ưu tiên trong tuyển sinh thực hiện theo quy định của pháp luật về giáo dục, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; chế độ ưu tiên trong tạo việc làm thực hiện theo quy định của pháp luật cán bộ, công chức; viên chức; việc làm; người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hoặc theo quy chế của từng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị.
- Hồ sơ, thủ tục, quy trình giải quyết chế độ: Cá nhân gửi bản sao được chứng thực từ các giấy tờ sau đến nơi đăng ký tuyển sinh, tuyển dụng: Quyết định hưởng trợ cấp ưu đãi (đối với người có công); Giấy chứng nhận thân nhân liệt sĩ hoặc giấy xác nhận thân nhân người có công của Ủy ban nhân dân cấp xã theo Mẫu số 45 Phụ lục I Nghị định này (đối với thân nhân liệt sĩ hoặc thân nhân người có công). Trình tự, thủ tục xem xét thực hiện chế độ ưu tiên trong tuyển sinh theo quy định của pháp luật về giáo dục, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Trình tự, thủ tục giải quyết chế độ ưu tiên trong tạo việc làm thực hiện theo quy định của pháp luật cán bộ, công chức; viên chức; việc làm; người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hoặc theo quy chế của từng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị.
Hỏi: Bà A ở tỉnh X muốn biết đối tượng, hình thức và theo nguyên tắc nào để bà được hỗ trợ nhà ở vì hiện tại nhà bà đang xuống cấp và bà định xây lại nhà mà không đủ kinh phí để xây dựng căn nhà mới.
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 99 của Nghị định 131/2021/NĐ-CP quy định về đối tượng, hình thức và nguyên tắc hỗ trợ:
- Đối tượng được hỗ trợ: Đối tượng được hỗ trợ cải thiện nhà ở là các đối tượng được quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m tại khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh và thân nhân liệt sĩ.
- Các hình thức hỗ trợ nhà ở: Tặng nhà: Nhà nước và xã hội tặng nhà tình nghĩa đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng; hỗ trợ khi thuê nhà ở xã hội, nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước theo quy định tại Điều 100 Nghị định này; hỗ trợ khi mua nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước (không bao gồm tiền sử dụng đất) theo quy định của pháp luật về nhà ở; hỗ trợ giải quyết cho mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về nhà ở; hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định của pháp luật về nhà ở; hỗ trợ kinh phí để cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới đối với nhà ở tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng theo quy định tại Điều 102 Nghị định này.
- Nguyên tắc hỗ trợ: Việc hỗ trợ cải thiện nhà ở theo các nguyên tắc sau: căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng người hoặc khi có khó khăn về nhà ở và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; kết hợp, lồng ghép với các chương trình đầu tư, hỗ trợ khác của Trung ương, địa phương và khuyến khích cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp; bảo đảm công khai, minh bạch, tránh thất thoát, phân bổ công bằng và hợp lý các nguồn lực hỗ trợ; phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật khác có liên quan.
Hỏi: Vợ chồng ông T hiện đang canh tác mảnh đất hơn 5000 m2 và bản thân ông là người được nhà nước cộng nhận anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ kháng chiến trước năm 1945. Đề nghị cho biết vợ chồng ông có được miễn tiền sử dụng đất hay không?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 104 của Nghị định 131/2021/NĐ-CP quy định về chế độ miễn tiền sử dụng đất:
- Miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước đối với các đối tượng sau: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945; anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; bà mẹ Việt Nam anh hùng; Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên; thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng.
- Miễn tiền sử dụng đất khi mua nhà ở (loại nhà nhiều tầng nhiều hộ ở) đang thuê thuộc sở hữu của Nhà nước theo Nghị định số 61/CP ngày 05 tháng 7 năm 1994 của Chính phủ đối với người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Hỏi: Ông Ngươn đang cư trú ở thị trấn X tỉnh Y và ông đang canh tác mảnh vườn hơn 2000 m2, ông là thương binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể đến 60%. Vậy ông có được giảm tiền sử dụng đất hay không theo quy định của pháp luật?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 105 của Nghị định 131/2021/NĐ-CP quy định về chế độ giảm tiền sử dụng đất: Giảm tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước đối với các đối tượng sau:
- Giảm 90% tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước đối với các đối tượng sau: Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% đến 80%.
- Giảm 80% tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước đối với các đối tượng sau: Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 41% đến 60%.
- Giảm 70% tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước đối với các đối tượng sau: Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% đến 40%; người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày; người được tặng hoặc người trong gia đình được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc Bằng “Có công với nước” trước cách mạng tháng Tám năm 1945, người được tặng hoặc người trong gia đình được tặng Huân chương kháng chiến; thân nhân liệt sĩ.
- Giảm 65% tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước đối với: Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế; người được tặng hoặc người trong gia đình được tặng Huy chương kháng chiến.
Hỏi: Được biết Thương binh, bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên có thương tật, bệnh tật đặc biệt nặng nếu sống cô đơn thì được Nhà nước nuôi dưỡng tập trung. Theo quy định pháp luật ông N cung cấp tài liệu gì để được vào Nhà nuôi dưỡng tập trung.
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 113 của Nghị định 131/2021/NĐ-CP quy định về hồ sơ, thủ tục tiếp nhận người có công vào cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công:
- Cá nhân làm đơn đề nghị theo Mẫu số 22 Phụ lục I Nghị định này gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú kèm bản sao được chứng thực từ quyết định cấp giấy chứng nhận và trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công.
- Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn, có trách nhiệm kiểm tra, xác minh, xác nhận đơn đề nghị và có văn bản kèm giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận văn bản, có trách nhiệm kiểm tra, xác minh nếu đủ điều kiện thì có văn bản kèm các giấy tờ gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ người có công.
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm đối chiếu hồ sơ, xác minh: Ban hành quyết định tiếp nhận theo Mẫu số 71 Phụ lục I Nghị định này đối với trường hợp đề nghị vào cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công do tỉnh quản lý; lập danh sách, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với trường hợp đề nghị vào cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có văn bản đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kèm giấy tờ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm xem xét và ban hành quyết định tiếp nhận theo Mẫu số 71 Phụ lục I Nghị định này đối với từng trường hợp cụ thể.