Cần Thơ tổ chức Hội nghị triển khai Đề án Thí điểm khuyến khích, thu hút thành viên Hội Luật gia, Đoàn Luật sư tham gia công tác hòa giải ở cơ sở; phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2025 – 2030

Ngày 03/04/2025, Thành phố Cần Thơ long trọng tổ chức Hội nghị triển khai Đề án Thí điểm khuyến khích, thu hút thành viên Hội Luật gia, Đoàn Luật sư tham gia công tác hòa giải ở cơ sở; phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố Cần Thơ 2025 – 2030.

Đến tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Ngọc Hè -  Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố, chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị

Cùng với sự tham gia của 400 đại biểu đến từ: Đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các cơ quan Đoàn thể; Thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố; Lãnh đạo Sở Tư pháp; Trưởng, phó các đơn vị thuộc Sở, các Trợ giúp viên pháp lý; Thành viên Hội Luật gia, Đoàn Luật sư, Hòa giải viên Tòa án tham gia Đề án; Lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận, huyện; Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận, huyện; Trưởng phòng Tư pháp quận, huyện; Lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trực tiếp phụ trách công tác hòa giải; Đại diện các Tổ hòa giải trên địa bàn thành phố.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Việt Sĩ - Giám đốc Sở Tư pháp TP. Cần Thơ, nhấn mạnh: "Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở không chỉ góp phần giảm thiểu tranh chấp trong cộng đồng mà còn nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và quản lý xã hội.

Ông Lê Việt Sĩ, Giám đốc Sở Tư pháp TPCT phát biểu khai mạc

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch UBND thành phố, nhấn mạnh rằng Đề án 09/ĐA-UBND ban hành ngày 06/03/2025 của UBND thành phố đóng vai trò đặc biệt quan trọng và cần thiết. Đây được xem là một bước đi kịp thời cho các chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước vào thực tế đời sống xã hội. Bên cạnh đó, để Đề án đạt được hiệu quả tối ưu, kích thích sự đồng thuận và ý thức tuân thủ pháp luật của người dân, quá trình triển khai cần đảm bảo tính đồng bộ, có trọng tâm rõ ràng và tập trung vào những điểm mấu chốt. Điều này đòi hỏi tránh sự trùng lặp trong cách tiếp cận và nguồn lực, qua đó tối ưu hóa công tác tổ chức; trong đó, Sở Tư pháp phải đóng vai trò trung tâm, dẫn dắt việc điều phối các hoạt động liên kết nhằm hỗ trợ tích cực cho các cấp cơ sở với hiệu quả tối đa.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL thành phố phát biểu chỉ đạo hội nghị

Ngoài ra, ông Nguyễn Ngọc Hè đặc biệt đề cao vai trò thiết yếu của Hội Luật gia và Đoàn Luật sư. Để thực hiện tốt những nhiệm vụ này, cần huy động nguồn nhân lực một cách hợp lý, xây dựng nền tảng kế thừa các mô hình hoạt động hiệu quả đã có, kết hợp với các ý tưởng đổi mới để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác trong bối cảnh hiện nay. Sự chủ động tham gia của các thành viên thuộc Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố là yếu tố quan trọng không thể thiếu. Các thành viên cần tích cực triển khai và tuyên truyền về nội dung đề án một cách sâu sắc và hiệu quả nhất; đặc biệt, ông nhấn mạnh vai trò chủ đạo của UBND tại các phường, xã với tư cách là đầu mối triển khai tại khu vực địa bàn.

Đồng thời, cần tạo điều kiện thuận lợi để các thành viên tham gia thực hiện đề án một cách trôi chảy nhằm đảm bảo tính liên kết và hiệu quả. Việc thu hút sự tham gia tích cực của Hội Luật gia và Đoàn Luật sư là nhiệm vụ cấp thiết nhằm phát huy hết tiềm năng của lực lượng này, góp phần đưa Đề án đi vào đời sống xã hội một cách toàn diện nhất.

Ông Lê Việt Sĩ, Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Cần Thơ tặng cờ Lưu niệm các thành viên tham gia Đề án

Hội nghị đã kết thúc thành công tốt đẹp, không chỉ đánh dấu bước khởi đầu quan trọng mà còn mở ra một hướng đi mới, góp phần xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật, gắn kết cộng đồng và phát triển bền vững tại thành phố Cần Thơ.

Phòng Nghiệp vụ 1 - STP