Theo đó, lịch sử ngày 22 12 ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam như sau:
QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM - 80 NĂM XÂY DỰNG, CHIẾN ĐẤU, CHIẾN THẮNG VÀ TRƯỞNG THÀNH
Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời, đánh thắng hai trận đầu, cùng Nhân dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền (1944 - 1945):
Ngay từ khi ra đời (3/2/1930), trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng ta đã khẳng định con đường đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc là dùng bạo lực cách mạng để giành chính quyền và yêu cầu phải “Tổ chức ra quân đội công nông”[1] để làm nòng cốt cho toàn dân tiến hành đấu tranh cách mạng. Luận cương chính trị của Đảng (tháng 10/1930) xác định nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng tư sản dân quyền, trong đó chỉ rõ phải: “Lập quân đội công nông”[2].
Trong phong trào cách mạng 1930 - 1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh, từ lực lượng khởi nghĩa của công nông, Đội tự vệ công nông (Tự vệ Đỏ) đã ra đời. Đó là tiền đề đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam. Tiếp theo đó, hàng loạt tổ chức vũ trang lần lượt được thành lập như: Đội du kích Bắc Sơn (1940), các đội du kích ở Nam Kỳ (1940), Cứu quốc quân (1941)…
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trong Chỉ thị, Người ghi rõ: “Tên ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền”[3]; “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”[4]. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Trung ương Đảng và Lãnh tụ Hồ Chí Minh ủy nhiệm tổ chức, lãnh đạo, chỉ huy, tuyên bố thành lập Đội, gồm 34 người, biên chế thành 3 tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên, có chi bộ Đảng lãnh đạo. Ngày 22/12/1944 được lấy làm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngay sau ngày thành lập, 17 giờ ngày 25/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập vào đồn Phai Khắt và 07 giờ sáng hôm sau (26/12) lại đột nhập đồn Nà Ngần (đều đóng tại châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), tiêu diệt hai tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính địch, thu vũ khí, quân trang, quân dụng. Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần mở đầu cho truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tháng 4/1945, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ của Đảng đã quyết định hợp nhất các tổ chức vũ trang cách mạng trên cả nước thành Việt Nam giải phóng quân. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Việt Nam giải phóng quân đã cùng lực lượng vũ trang các địa phương và Nhân dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam giải phóng quân được đổi tên thành Vệ quốc đoàn, rồi Quân đội quốc gia Việt Nam (1946), từ năm 1950 được gọi là Quân đội nhân dân Việt Nam.
LỊCH SỬ VÀ Ý NGHĨA NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN
Lịch sử Ngày hội Quốc phòng toàn dân:
Quốc phòng toàn dân là nền quốc phòng mang tính chất “vì dân, do dân, của dân”, phát triển theo phương hướng: toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và ngày càng hiện đại, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng và an ninh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, do Nhân dân làm chủ, nhằm giữ vững hòa bình, ổn định của đất nước, sẵn sàng đánh bại mọi hành động xâm lược và bạo loạn lật đổ của các thế lực đế quốc và phản động, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán khẳng định, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh là sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt. Nền quốc phòng của Việt Nam là nền quốc phòng mang tính chất hòa bình, tự vệ và mang bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa. Việt Nam xây dựng sức mạnh quân sự, quốc phòng dựa trên sức mạnh tổng hợp của cả nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh của lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân với sức mạnh của lực lượng và thế trận an ninh nhân dân. Đảng, Nhà nước ta chủ trương phát triển kinh tế, xã hội gắn với tăng cường khả năng quốc phòng, an ninh, phối hợp chặt chẽ hoạt động quốc phòng, an ninh với hoạt động đối ngoại thành một thể thống nhất để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thực tiễn lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, nhất là các cuộc khởi nghĩa, các cuộc chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc do Nhân dân ta tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chứng minh sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bất kỳ giai đoạn nào, phải đương đầu với kẻ thù hung bạo đến đâu, nếu cổ vũ, động viên, quy tụ được sức mạnh toàn dân thì dân tộc ta đều giành thắng lợi vĩ đại, bảo đảm sự bền vững của độc lập, tự do, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Xuất phát từ vai trò của công tác tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn dân tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đồng thời thể theo nguyện vọng của quân và dân cả nước, ngày 17/10/1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI đã ra Chỉ thị số 381-CT/TW quyết định lấy ngày 22/12 - Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam là Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Ngày 22/12/1989, lần đầu Ngày hội Quốc phòng toàn dân được tổ chức tại tất cả các địa phương trong cả nước. Từ đó đến nay, ngày 22/12 đã trở thành ngày hội lớn của toàn dân tộc với các hoạt động hướng vào chủ đề quốc phòng và quân đội.
Theo đó, ngày 22/12 năm 1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam - chính thức được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Từ đó, ngày 22/12 trở thành dấu mốc quan trọng đánh dấu ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bên cạnh đó, năm 1989 Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI đã quyết định lấy ngày 22/12 - Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam là Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Ngày 22/12/1989, lần đầu Ngày hội Quốc phòng toàn dân được tổ chức tại tất cả các địa phương trong cả nước.
Từ đó đến nay, ngày 22/12 đã trở thành ngày hội lớn của toàn dân tộc với các hoạt động hướng vào chủ đề quốc phòng và quân đội kỷ niệm Ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam và Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Ngày 22/12 năm 2024 là kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024).
Nguồn: Sưu tầm