MỘT SỐ QUY ĐỊNH MỚI VỀ ĐĂNG KÝ, QUẢN LÝ CƯ TRÚ

Ngày 13 tháng 11 năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật Cư trú năm 2020, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2021. Sau đây là một số quy định mới về đăng ký, quản lý cư trú mà công dân cần biết khi thực hiện việc đăng ký cư trú với cơ quan chức năng.

1. Thay đổi phương thức quản lý cư trú

Luật Cư trú năm 2020 quy định việc quản lý cư trú theo phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin. Việc đổi mới phương thức quản lý từ thủ công sang ứng dụng công nghệ thông tin giúp công dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân đã thể hiện trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng như không phải sao chứng thực các loại giấy tờ này khi thực hiện tục hành chính hoặc tham giao dịch dân sự mà chỉ cần mang theo thẻ Căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng để thực hiện.

2. Bổ sung một số trường hợp bị hạn chế quyền tự do cư trú

Luật Cư trú năm 2020 bổ sung một số trường hợp bị hạn chế quyền tự do cư trú đối với: (1) Người bị cách ly do có nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng; (2) Địa điểm, khu vực cách ly vì lý do phòng, chống dịch bệnh theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền; địa bàn có tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; địa điểm không được đăng ký thường trú mới, đăng ký tạm trú mới, tách hộ theo quy định của Luật Cư trú năm 2020 (điểm c, d khoản 2 Điều 4). Các quy định này nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan như pháp luật về tình trạng khẩn cấp, pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm...

3. Không còn quy định riêng về đăng ký thường trú đối với các thành phố trực thuộc Trung ương

Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) quy định điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ một năm trở lên, trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ hai năm trở lên. Còn đăng ký thường trú vào nội thành thành phố Hà Nội thì phải tạm trú liên tục tại nội thành từ 03 năm trở lên.

Hiện nay, Luật Cư trú năm 2020 không còn quy định trên. Điều kiện đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là như nhau, không phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc. Quy định nhằm tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân; bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đang sinh sống trên địa thành phố trực thuộc Trung ương nhưng chưa được đăng ký thường trú mặc dù có chỗ ở hợp pháp.

4. Rút ngắn thời gian giải quyết đăng ký thường trú

Luật Cư trú năm 2020 đã bỏ toàn bộ và chỉnh lý quy định về đăng ký thường trú từ hình thức cấp Sổ Hộ khẩu theo phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin. Quy trình giải quyết đăng ký thường trú cho công dân cũng đơn giản, rút ngắn cả về thủ tục và thời gian, giải quyết đăng ký thường trú tối đa là 07 ngày làm việc (khoản 3 Điều 22).

5. Bổ sung một số trường hợp xóa đăng ký thường trú

Ngoài các trường hợp bị xóa đăng ký thường trú theo Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), Luật Cư trú năm 2020 bổ sung một số trường hợp xóa đăng ký thường trú tại Điều 24, cụ thể như sau:

- Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng.

- Đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.

- Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ sau 12 tháng kể từ ngày chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ vẫn chưa đăng ký thường trú ở chỗ ở mới, trừ trường hợp quy định tại điểm h khoản 1 Điều 24.

- Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó quyền sở hữu chỗ ở đó đã chuyển cho người khác mà sau 12 tháng kể từ ngày chuyển quyền sở hữu vẫn chưa đăng ký thường trú ở chỗ ở mới, trừ trường hợp được chủ sở hữu mới đồng ý tiếp tục cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ và cho đăng ký thường trú tại chỗ ở đó hoặc trường hợp quy định tại điểm h khoản 1 Điều 24.

- Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhà nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ và không được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó; người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở thuộc quyền sở hữu của mình nhưng đã chuyển quyền sở hữu chỗ ở cho người khác và không được chủ sở hữu mới đồng ý cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó.

- Người đã đăng ký thường trả tại chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tại phương tiện đã bị xóa đăng ký phương tiện theo quy định của pháp luật.

6. Không bị xóa đăng ký thường trú khi chấp hành hình phạt , quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc xuất cảnh ra nước ngoài để lao động, học tập

Trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng thì không bị xóa đăng ký thường trú (điểm d khoản 1 Điều 24). Quy định này nhằm đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho việc tái hòa nhập cộng đồng và công tác quản lý của nhà nước đối với người đã chấp hành xong bản án, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

7. Quy định nơi cư trú của người không có nơi thường trú, nơi tạm trú

Điều 19 Luật Cư trú năm 2020 quy định việc xác định nơi cư trú của công dân không có nơi thường trú, nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú (người di cư, người sống lang thang, người không có chỗ ở hợp pháp...). Qua đó đảm bảo việc quản lý tốt hơn đối với nhóm người này, cũng như bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hỗ trợ họ.

8. Lưu trú dưới 30 ngày không cần đăng ký tạm trú

Điều 27 Luật Cư trú năm 2020 quy định công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì mới phải thực hiện đăng ký tạm trú.

9. Không sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú từ năm 2023

Điều 38 Luật Cư trú năm 2020 quy định Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022. Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.