Nhằm tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức về phòng chống HIV/AIDS cho đối tượng học sinh, sinh viên, vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ và Trung tâm Nâng cao Chất lượng Cuộc sống (LIFE) phối hợp với Đại học Cần Thơ tổ chức sự kiện SAFE-UNI Festival - Sắc Màu Tự Hào (Color of Me) vào ngày 2/4/2023.
Sự kiện thu hút sự tham gia của đại diện lãnh đạo cơ quan ban ngành địa phương, 4 nhóm CBO và gần 700 học sinh, sinh viên đến từ 13 trường Đại học - Cao đẳng trong thành phố.
Chương trình được tài trợ của PEPFAR thông qua dự án Hỗ trợ địa phương phát triển, cung cấp dịch vụ về HIV, chăm sóc sức khỏe hiệu quả, thích ứng và bền vững (dự án USAID/LADDERS).
Tại sự kiện, các bạn trẻ được tham gia nhiều hoạt động tập thể đa dạng, hấp dẫn như: “Tô màu hạnh phúc”; diễu hành “Sắc màu tự hào”, các trò chơi tương tác tại gian hàng truyền thông tìm hiểu thông tin về tổ chức cộng đồng CBO địa phương và các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP.
Đặc biệt, sự kiện còn tổ chức truyền thông, trao đổi và chia sẻ kiến thức, thông tin về tình dục an toàn, phòng chống HIV/AIDS, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) phần thi Rung Chuông Vàng gần gũi, sinh động. Các khách mời đặc biệt như: Minh Tú, Lynk Lee, nhóm First GENE cũng chia sẻ câu chuyện và trải nghiệm về cộng đồng những người đồng tính, chuyển giới trong việc chủ động bảo vệ sức khỏe, xét nghiệm HIV, liên hệ với các tổ chức cộng đồng uy tín để được giúp đỡ.
Theo ông Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cần Thơ: Trong những năm gần đây, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm LIFE, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cần Thơ đã phối hợp với các cơ quan ban ngành địa phương, chủ động triển khai hàng loạt chương trình, hoạt động can thiệp nhằm ứng phó với tình hình dịch HIV trẻ hóa và diễn biến phức tạp. Theo đó, đã xây dựng, phát triển hệ thống tổ chức cộng đồng đủ năng lực nâng cao hiệu quả truyền thông, tiếp cận và cung cấp các dịch vụ HIV/AIDS tại cộng đồng; Kết nối, tăng cường quan hệ hợp tác hiệu quả giữa cộng đồng và hệ thống y tế công tại địa phương. Bên cạnh đó, củng cố năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế và quản lý; Phối hợp đa ngành triển khai các chiến lược truyền thông, trong đó tiếp cận nhóm trẻ trên mạng xã hội, can thiệp cho nhóm công nhân lao động trẻ và truyền thông cho nhóm học sinh, sinh viên. Nhờ đó, Cần Thơ đã chủ động học hỏi, áp dụng triển khai hiệu quả các mô hình mới truyền thông HIV/AIDS nhằm thu hẹp khoảng trống kiến thức, thái độ về HIV/AIDS trên nhóm đối tượng học sinh, sinh viên.
Phát biểu tại sự kiện, bà Cao Kim Thoa, Phó Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết: Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2030 cũng đã xác định nhóm người trẻ và đặc biệt là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới MSM là những đối tượng cần được ưu tiên trong can thiệp dự phòng HIV và các bệnh lây qua đường tình dục. Hoạt động truyền thông lớn như SAFE-UNI Festival Cần Thơ mang ý nghĩa đột phá khi huy động được sự tham gia của sinh viên 13 trường Đại học-Cao đẳng để nâng cao nhận thức, giới thiệu và kết nối dịch vụ dự phòng điều trị HIV nhằm giảm thiểu lây nhiễm trong giới trẻ. Những thông tin, kiến thức bổ ích của chương trình là hành trang quan trọng góp phần bảo vệ sức khỏe, xây dựng tương lai cho các bạn sinh viên.
Kim Nhiên, CDC Cần Thơ