Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến

Với mục đích nhằm ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp. Ngày 15/12/2021, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 05/2021 TTLT-TANDTC-VKSNDTC- BCA-BQP-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Theo đó, Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT quy định chi tiết và hướng dẫn việc xem xét, quyết định mở phiên tòa trực tuyến; yêu cầu đối với phiên tòa trực tuyến; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong việc tổ chức phiên tòa trực tuyến; trách nhiệm của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước trong việc tổ chức phiên tòa trực tuyến cũng được quy định cụ thể như: Trường hợp vụ án hình sự, dân sự, hành chính có đương sự, bị hại là đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý và có yêu cầu trợ giúp pháp lý thì Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước phải bảo đảm điều kiện kỹ thuật, công nghệ, không gian tổ chức theo quy định.

Đối với phiên tòa dân sự, hành chính phải bảo đảm không gian tại điểm cầu lịch sự, nghiêm túc, yên tĩnh; ánh sáng phù hợp không gian, tránh ngược sáng, màu sắc phản cảm; bảo đảm hình ảnh, không gian xung quanh người tham gia được hiển thị đầy đủ trên màn hình trình chiếu; các thiết bị điện tử phù hợp bảo đảm việc truyền âm thanh và hình ảnh tại phiên tòa được thực hiện rõ nét, không gián đoạn.

Đối với phiên tòa hình sự mà có đương sự không tham gia phiên tòa tại điểm cầu thành phần đặt tại cơ sở giam giữ hoặc điểm cầu trung tâm thì điểm cầu thành phần mà đương sự đó tham gia phải bảo đảm các yêu cầu quy định như đối với phiên tòa dân sự, hành chính.

Với phiên tòa hình sự mà điểm cầu thành phần đặt tại cơ sở giam giữ thì phải bảo đảm các yêu cầu quy định như đối với phiên tòa dân sự, hành chính; bố trí quốc huy và bục khai báo cho bị cáo bảo đảm phù hợp với quy định Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định về phòng xử án. Trường hợp có người tham gia tố tụng khác thì phải bố trí vị trí phù hợp, nhưng phải bảo đảm trang nghiêm, an toàn.

Đối với bị cáo là người dưới 18 tuổi thì việc bố trí vị trí cho bị cáo, người đại diện, người bào chữa phải phù hợp với quy định về phòng xử án và giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước phải có văn bản đề nghị Tòa án cho phép tổ chức điểm cầu thành phần do mình bố trí và phải được gửi ngay cho Tòa án sau khi có đề nghị của đương sự, bị hại.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2022./.

Phòng Nghiệp vụ 1 - STP