Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) năm 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024. Luật có những điểm đột phá mới nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi NTD.
Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2023 sắp có hiệu lực, giúp NTD được bảo vệ tốt hơn. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại Siêu thị LOTTE Mart Cần Thơ.
Chị Nguyễn Thị Kiều Oanh ngụ phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cho biết: “Vừa qua, tôi nhận được cuộc gọi tư vấn về các mặt hàng gia dụng. Do không có nhu cầu sử dụng nên tôi nói lời xin lỗi và từ chối không nhận tư vấn. Tuy nhiên, người từ đầu dây bên kia vẫn không quan tâm, cố gắng nài nỉ để tư vấn. Quá bực, tôi gắt giọng, thế là người đầu dây bên kia đáp trả tôi bằng giọng điệu khiêu khích. Vài ngày sau, tôi tiếp tục nhận được các cuộc gọi kiểu như thế. Khi tôi hỏi: “Tại sao lại có số của tôi?”, người gọi nói là tôi từng mua hàng tại công ty của họ đặt tại Quảng Ninh. Tôi ở Cần Thơ, chưa từng mua hàng hóa (kể cả hàng online) tại công ty vừa nêu nên rất bực nhưng không biết phải xử lý như thế nào”.
Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024 quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm nhằm bảo vệ quyền lợi NTD. Theo đó, hành vi quấy rối NTD được xác định cụ thể thông qua hành vi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp, trái với ý muốn của NTD để giới thiệu về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh (KD), đề nghị giao kết hợp đồng hoặc có hành vi khác gây cản trở công việc, sinh hoạt bình thường của NTD; ép buộc NTD mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của NTD thông qua việc thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác có tính chất tương tự.
Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi NTD, quy định phạt tiền 1-2 triệu đồng đối với thương nhân KD hàng hóa, dịch vụ có một trong các hành vi quấy rối NTD thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của NTD từ 2 lần trở lên; có hành vi gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của NTD. Phạt tiền 10-30 triệu đồng đối với một trong các hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác gây thiệt hại đến sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của NTD để ép buộc giao dịch; lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của NTD hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để ép buộc giao dịch. Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định nói trên. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định.
Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD năm 2023 còn quy định cụ thể việc tổ chức, cá nhân KD bị nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây: lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho NTD thông qua việc cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, không chính xác về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân KD bán, cung cấp; uy tín, khả năng KD, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân KD; nội dung, đặc điểm giao dịch giữa NTD với tổ chức, cá nhân KD; hình ảnh, giấy tờ, tài liệu chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hoặc tổ chức, cá nhân KD; không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho NTD do nhầm lẫn của tổ chức, cá nhân KD; không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho NTD do sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đúng với đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết của tổ chức, cá nhân KD; đánh tráo, gian lận sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khi giao hàng, cung cấp dịch vụ cho NTD; không thông báo trước, không công khai cho NTD việc tài trợ cho người có ảnh hưởng dưới mọi hình thức để sử dụng hình ảnh, lời khuyên, khuyến nghị của người này nhằm xúc tiến thương mại hoặc khuyến khích NTD mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; ngăn cản NTD kiểm tra về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; yêu cầu NTD phải mua thêm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ như là điều kiện bắt buộc để giao kết hợp đồng trái với ý muốn của NTD...