Hỏi: Người tổ chức cho người khác đánh bạc sẽ bị xử lý như thế nào?
Ðáp: Theo Bộ luật Hình sự hiện hành, người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền 50-300 triệu đồng hoặc phạt tù 1-5 năm: tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5 triệu đồng trở lên hoặc tổ chức 2 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5 triệu đồng trở lên; sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5 triệu đồng trở lên hoặc cho 2 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5 triệu đồng trở lên; tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 1 lần trị giá 20 triệu đồng trở lên; có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc…
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 5-10 năm: có tính chất chuyên nghiệp; thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên; sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội; tái phạm nguy hiểm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 20-100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Tuy nhiên, nếu người có hành vi tổ chức đánh bạc trái phép nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính như sau: phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với một trong những hành vi tổ chức đánh bạc sau đây: rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để đánh bạc trái phép; dùng nhà, chỗ ở, phương tiện, địa điểm khác của mình hoặc do mình quản lý để chứa chấp việc đánh bạc; đặt máy đánh bạc, trò chơi điện tử trái phép; tổ chức hoạt động cá cược ăn tiền trái phép. Phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với một trong những hành vi tổ chức đánh đề sau đây: làm chủ lô, đề; tổ chức sản xuất, phát hành bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề; tổ chức mạng lưới bán số lô, số đề; tổ chức cá cược trong hoạt động thi đấu thể dục thể thao, vui chơi giải trí hoặc dưới các hoạt động khác để đánh bạc, ăn tiền.
Hỏi: Cho người khác mượn gà đi đá, có bị tịch thu không?
Ðáp: Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về các biện pháp tư pháp: biện pháp tư pháp đối với người phạm tội bao gồm: tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi; bắt buộc chữa bệnh. Biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại phạm tội bao gồm: tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi; khôi phục lại tình trạng ban đầu; thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra. Vì vậy, trong trường hợp con gà cho mượn liên quan trực tiếp đến tội đánh bạc thì công an có quyền tịch thu để phục vụ điều tra.