Xử lý nghiêm hành vi mua bán, chế tạo pháo nổ

Càng gần Tết Nguyên đán, hoạt động vận chuyển, mua bán trái phép pháo nổ bắt đầu rộ lên. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng còn học cách chế tạo pháo nổ trên các nền tảng mạng xã hội, để đem bán, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Lực lượng chức năng đã và đang tăng cường các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn kịp thời các hành vi này để xử lý nghiêm minh.

 

Các clip, hình ảnh dạy chế tạo pháo tràn lan trên mạng xã hội. Đây là hành vi vi phạm pháp luật. Ảnh chụp từ màn hình máy tính.

Tháng 12-2023, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Ðức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh vừa theo dõi, tiếp cận, bắt quả tang N.Ð.M.C (sinh năm 2008, trú tại xã Ðức Ðồng, Ðức Thọ) có hành vi tàng trữ 103 quả pháo tự chế (trọng lượng khoảng 8kg). Quá trình đấu tranh, C khai nhận đã tìm hiểu và mua các tiền chất trên mạng xã hội sau đó về tự chế pháo nổ. Khi C đang trên đường mang số pháo trên đi bán thì bị lực lượng chức năng bắt giữ. Ngoài số pháo trên, C còn tự nguyện giao nộp cho cơ quan công an 3 túi ni lông đựng các tiền chất chế tạo pháo (khoảng 1kg). Hiện nay, Công an Ðức Thọ đang củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngày 27-12-2023, Công an xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị phát hiện L.V.M (15 tuổi, trú thôn Phú Hội, xã Triệu An) đang chế tạo pháo nổ tại nhà. Tại hiện trường, Công an xã phát hiện 10 quả pháo bi hình tròn đã hoàn thiện, 200g chất bột màu đen, 200g chất bột màu vàng. Tại cơ quan điều tra, M thừa nhận học công thức chế tạo pháo từ mạng xã hội, sau đó đặt mua 200.000 đồng nguyên vật liệu đem về nhà chế tạo pháo. Công an xã Triệu An đã ra quyết định xử lý hành chính ở mức cảnh cáo với M về hành vi chế tạo pháo nổ.

Tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà hành vi tự chế pháo nổ trái phép có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Nghị định 144/2021/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, quy định phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Bán tiền chất thuốc nổ cho tổ chức, doanh nghiệp khi tổ chức, doanh nghiệp đó chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vật liệu nổ công nghiệp, giấy phép kinh doanh tiền chất thuốc nổ hoặc chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép…

Bộ luật Hình sự hiện hành quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội sản xuất, buôn bán hàng cấm, trong đó có quy định về pháo nổ như sau: người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 244, 246, 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm: sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 6kg đến dưới 40kg. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền 1-3 tỉ đồng hoặc phạt tù 5-10 năm: có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 40kg đến dưới 120kg; buôn bán qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu; tái phạm nguy hiểm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù 8-15 năm: sản xuất, buôn bán pháo nổ 120kg trở lên. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm…