BỘ CÂU HỎI TÌNH HUỐNG VÀ GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ LUẬT PHÒNG CHỐNG TÁC HẠI CỦA RƯỢU, BIA

 

Tổng số:  15 Tình huống

 

 Câu 1. Hiện nay tác hại rượu, bia tác hại nghiêm trọng đến tính mạng và sức khỏe con người. Vậy anh T muốn biết cá nhân, tổ chức có quyền và nghĩa vụ gì trong phòng, chống tác hại của rượu bia?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 4, Luật phòng chống tác hại của rượu bia, trong phòng chống tác hại của rượu, bia, cá nhân, tổ chức có quyền và nghĩa vụ như sau:

1. Được sống trong môi trường không chịu ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia.

2. Được cung cấp thông tin phù hợp, chính xác, khách quan, khoa học, đầy đủ về rượu, bia, nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng và tác hại của rượu, bia.

3. Phản ánh, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; tố cáo việc cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

4. Tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Câu 2. Em A là học sinh trường THCS ở  xã X thường xuyên tụ tập uống rượu với một số học sinh cá biệt ở cổng trường sau giờ tan học. Bạn bè trong lớp khuyên nhủ, nói với em A rằng đây là hành vi bị nghiêm cấm, nhưng A không nghe vì cho rằng uống rượu bia là sở thích nên ai cũng có thể uống. Nhận định này đúng hay sai?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1, Điều 5, Luật phòng, chống tác hại của rượu bia, “Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia” là một trong những hành vi mà Luật nghiêm cấm thực hiện. Do đó, nhận định như trên của em A là sai.

Câu 3. Hoạt động giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu bia gồm có những nội dung gì?

 Trả lời:

Theo quy định tại Điều 7, Luật phòng chống tác hại của rượu, bia, nội dung thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia gồm có:

1. Chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia; các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia; các chế tài xử phạt và vận động cá nhân, tổ chức tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

2. Quyền, nghĩa vụ của cá nhân và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cộng đồng trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

3. Tác hại của rượu, bia; tác hại của rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; các mức độ nguy cơ khi uống rượu, bia; các biện pháp giảm tác hại của rượu, bia.

4. Bệnh, tình trạng sức khỏe, đối tượng không nên uống rượu, bia; độ tuổi không được uống rượu, bia.

5. Kỹ năng từ chối uống rượu, bia; kỹ năng nhận biết và ứng xử, xử trí khi gặp người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia.

6. Vận động hạn chế uống rượu, bia và không điều khiển phương tiện giao thông, vận hành máy móc sau khi uống rượu, bia.

7. Hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

8. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công làm thủ tục cấp giấy phép sản xuất, đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã việc bán rượu cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại, kê khai việc sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh.

Câu 4. Anh T thấy một số người nhà bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện X thời gian rảnh rỗi thường xuyên tụ tập tại sảnh bệnh viện để uống rượu, bia. Nhiều người cho rằng, bệnh viện là nơi khám chữa bệnh không phải là địa điểm để uống rượu bia. Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định vấn đề này như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 10, Luật phòng chống tác hại của rượu, bia, địa điểm không uống rượu, bia gồm có:

1. Cơ sở y tế.

2. Cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc.

3. Cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi.

4. Cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ phạm nhân và cơ sở giam giữ khác.

5. Cơ sở bảo trợ xã hội.

6. Nơi làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian làm việc, trừ địa điểm được phép kinh doanh rượu, bia.

7. Các địa điểm công cộng theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, theo quy định trên, việc uống rượu, bia tại bệnh viện là trái với quy định của Luật.

Câu 5. Công ty bia rượu, nước giải khát X vừa ra mắt một loại rượu mới có độ cồn dưới 5,5 độ. Để giới thiệu sản phẩm này trong giới trẻ, công ty muốn thực hiện quảng cáo tại một trại hè dành cho học sinh, tuy nhiên, việc này đã vấp phải sự phản đối cha mẹ học sinh. Việc quảng cáo của công ty X là đúng hay sai?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 12, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, quản lý việc quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ được quy định như sau:

1. Tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo rượu, bia phải tuân thủ các quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật về quảng cáo.

2. Quảng cáo không thể hiện các nội dung sau đây:

a) Có thông tin, hình ảnh nhằm khuyến khích uống rượu, bia; thông tin rượu, bia có tác dụng tạo sự trưởng thành, thành đạt, thân thiện, hấp dẫn về giới tính; hướng đến trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai;

b) Sử dụng vật dụng, hình ảnh, biểu tượng, âm nhạc, nhân vật trong phim, nhãn hiệu sản phẩm dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi hoặc hình ảnh của người chưa đủ 18 tuổi trong quảng cáo rượu, bia.

3. Không thực hiện quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo trong trường hợp sau đây:

a) Sự kiện, phương tiện quảng cáo, sản phẩm dành cho người chưa đủ 18 tuổi, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai;

b) Phương tiện giao thông;

c) Báo nói, báo hình ngay trước, trong và ngay sau chương trình dành cho trẻ em; trong thời gian từ 18 giờ đến 21 giờ hằng ngày, trừ trường hợp quảng cáo có sẵn trong các chương trình thể thao mua bản quyền tiếp sóng trực tiếp từ nước ngoài và trường hợp khác theo quy định của Chính phủ;

d) Phương tiện quảng cáo ngoài trời vi phạm quy định về kích thước, khoảng cách đặt phương tiện quảng cáo tính từ khuôn viên của cơ sở giáo dục, cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi.

4. Quảng cáo phải có cảnh báo để phòng, chống tác hại của rượu, bia.

5. Quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và thiết bị viễn thông khác phải có hệ thống công nghệ chặn lọc, phần mềm kiểm soát tuổi của người truy cập để ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin về rượu, bia.

6. Chính phủ quy định chi tiết điểm d khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều này.

Như vậy, theo khoản 3, Điều 12 việc quảng cáo của công ty X tại sự kiện dành cho học sinh như vậy là trái với quy định của Luật.

Câu 6. Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định như thể nào về quản lý việc quảng cáo rượu có độ cồn từ 5,5 độ đến dưới 15 độ và bia có độ cồn từ 5,5 độ trở lên?

Trả lời:

 Tại quy định tại Điều 13 của Luật quy định về quản lý việc quảng cáo rượu có độ cồn từ 5,5 độ đến dưới 15 độ và bia có độ cồn từ 5,5 độ trở lên như sau:

Tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo rượu có độ cồn từ 5,5 độ đến dưới 15 độ và bia có độ cồn từ 5,5 độ trở lên phải tuân thủ quy định tại Điều 12 của Luật này và không quảng cáo trong trường hợp sau đây:

1. Trong các chương trình, hoạt động văn hóa, sân khấu, điện ảnh, thể thao;

2. Trên các phương tiện quảng cáo ngoài trời, trừ biển hiệu của cơ sở kinh doanh rượu, bia.

Câu 7. Khu vui chơi trẻ em đóng tại địa bàn quận X thu hút rất nhiều khách tới vui chơi, giải trí, nhất là vào những ngày cuối tun. Một số cửa hàng tại đây ngoài bày bán các sản phẩm đồ chơi, đồ dùng học tập còn bán cả rượu bia, bánh kẹo. Một số phụ huynh cho rằng, việc bày bán rượu bia tại địa điểm vui chơi dành cho trẻ em là không phù hợp. Nhận định này đúng hay sai?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 19, Luật phòng chống tác hại của rượu, bia, địa điểm không bán rượu, bia gồm có:

1. Cơ sở y tế.

2. Cơ sở giáo dục.

3. Cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi.

4. Cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ phạm nhân và cơ sở giam giữ khác.

5. Cơ sở bảo trợ xã hội.

6. Nơi làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, trừ địa điểm được phép kinh doanh rượu, bia.

Như vậy, quan điểm của phụ huynh là đúng vì việc bán rượu, bia tại khu vui chơi, giải trí cho trẻ em (dưới 18 tuổi) là trái với quy định của pháp luật.

Câu 8. Việc phòng ngừa và xử lý rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; rượu, bia nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 20, Luật phòng chống tác hại của bia, rượu thì việc phòng ngừa và xử lý rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; rượu, bia nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ được quy định như sau:

1. Rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và rượu, bia nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ đều bị tịch thu, xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp, tham gia với cơ quan có thẩm quyền trong phòng, chống rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và rượu, bia nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

3. Bộ Công Thương, Bộ Y tế, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, hướng dẫn việc bổ sung chất chỉ thị màu vào các sản phẩm cồn không dùng trong thực phẩm để phân biệt với cồn thực phẩm và phòng ngừa pha chế rượu từ sản phẩm cồn không được phép dùng trong thực phẩm.

Câu 9. Anh B muốn biết việc phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 21, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, việc phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia được quy định như sau:

1. Người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông.

2. Người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải có trách nhiệm chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham gia giao thông.

3. Cơ quan, người có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm toa nồng độ cồn trong máu, hơi thở của người điều khiển phương tiện giao thông đang tham gia giao thông hoặc gây ra tai nạn giao thông.

4. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm xây dựng nội dung và tổ chức việc đào tạo về phòng, chống tác hại của rượu, bia trong chương trình đào tạo cấp bằng, chứng chỉ, giấy phép điều khiển phương tiện giao thông thuộc phạm vi quản lý.

Câu 10. Có những biện pháp nào để phòng ngừa, can thiệp và giảm tác hại của việc uống rượu, bia đối với sức khỏe?

Trả lời:

 Theo quy định tại Điều 22, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, các biện pháp để phòng ngừa, can thiệp và giảm tác hại của việc uống rượu, bia đối với sức khỏe gồm có:

1. Các biện pháp phòng ngừa, can thiệp và giảm tác hại của việc uống rượu, bia đối với sức khỏe bao gồm:

a) Tư vấn về phòng, chống tác hại của rượu, bia cho người đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế;

b) Sàng lọc, phát hiện sớm yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe của người uống rượu, bia; người mắc bệnh, rối loạn chức năng do uống rượu, bia; người nghiện rượu, bia;

c) Can thiệp giảm tác hại cho người có yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe, phụ nữ mang thai có hội chứng hoặc nguy cơ ngộ độc rượu ở thai nhi; phòng, chống nghiện và tái nghiện rượu, bia;

d) Chẩn đoán, điều trị, phục hồi chức năng cho người mắc bệnh, rối loạn chức năng có liên quan đến uống rượu, bia.

2. Cơ sở y tế thực hiện các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này theo hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật của Bộ Y tế.

Câu 11. Anh N hỏi những hoạt động tư vấn về phòng, chống tác hại của rượu bia tập trung vào những đối tượng nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 23, Luật phòng, chống tác hại của rượu bia, việc tư vấn về phòng, chống tác hại của rượu, bia tập trung vào các đối tượng sau đây:

a) Người thường xuyên uống rượu, bia;

b) Người nghiện rượu, bia;

c) Thành viên gia đình có người thường xuyên uống rượu, bia, người nghiện rượu, bia;

d) Trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai;

đ) Người bị ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia.

 

Câu 12. Ông T năm nay được 50 tuổi là người X nghiện rượu đã nhiều năm nay. Mỗi lần say rượu, ông T gây gổ, chửi bới hàng xóm, đánh đập vợ con gây ảnh hưởng đến trật tự của làng. Có thể áp dụng biện pháp phòng ngừa tác hại của rượu, bia tại cộng đồng nào trong trường hợp của ông T?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 24, Luật phòng chống tác hại của rượu, bia, có các biện pháp sau đây để phòng ngừa tác hại của rượu, bia tại cộng đồng:

1. Tuyên truyền, vận động các gia đình, thành viên thuộc tổ chức, cộng đồng tham gia tuyên truyền và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

2. Lồng ghép hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia vào các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, xây dựng đời sống văn hóa và hoạt động khác tại cộng đồng.

3. Vận động, khuyến khích quy định trong hương ước, quy ước việc hạn chế hoặc không uống rượu, bia tại đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư.

4. Vận động cá nhân, tổ chức không sử dụng sản phẩm rượu, bia không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa được kiểm nghiệm an toàn thực phẩm.

5. Phát hiện, phản ánh người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia để cảnh báo, phòng ngừa, xử lý hành vi gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.

Như vậy, đối với trường hợp của ông T để phòng ngừa tác hại của rượu, bia tại cộng đồng, có thể áp dụng biện pháp “…phản ánh người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia để cảnh báo, phòng ngừa, xử lý hành vi gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội” (theo khoản 5).

Câu 13. Có những biện pháp nào để chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để phòng ngừa, giảm tác hại của rượu, bia?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 25, Luật phòng chống tác hại của rượu, bia, việc chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để phòng ngừa, giảm tác hại của rượu, bia được thực hiện với những biện pháp sau: 

1. Các biện pháp chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để phòng ngừa, giảm tác hại của rượu, bia bao gồm:

a) Tư vấn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú về tác hại của rượu, bia đối với thai nhi, trẻ em; cho người bị ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia khi sử dụng dịch vụ tại cơ sở y tế, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình;

b) Can thiệp, hỗ trợ, áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc, bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình đối với trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để không bị ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia;

c) Các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật.

2. Các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này phải được lồng ghép trong chương trình, kế hoạch, hoạt động có liên quan đến trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác.

3. Cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhận thực hiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.

Câu 14. Anh H là công chức xã C thường xuyên có hành vi uống rượu, gây gổ đánh nhau với đồng nghiệp trong giờ làm việc. Dù đơn vị đã nhiều lần nhắc nhở nhưng anh H vẫn tái phạm vì cho rằng việc anh uống rượu cùng lắm chỉ bị kỷ luật mà không thể bị xử lý bằng các hình thức khác. Quan điểm của anh H như vậy đúng hay sai?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 28, Luật phòng chống tác hại của rượu, bia, việc xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia được quy định như sau:

1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan, người có thẩm quyền được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện, xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

3. Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Như vậy, trường hợp của anh H thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia, anh H có thể bị xử lý kỷ luật xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Câu 15. Chị A hỏi có những hình thức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 8, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, hình thức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia gồm có:

1. Thực hiện trực tiếp; tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp, phổ biến tài liệu.

2. Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh, mạng Internet, pa-nô, áp-phích, tranh cổ động.

3. Thi tuyên truyền, tìm hiểu.

4. Chiến dịch truyền thông.

5. Lồng ghép trong việc giảng dạy, học tập tại cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao; trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, cộng đồng và các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.