Ngày 4/6/2024, ông Lê Việt Sĩ – Giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ chủ trì cuộc họp Ban Tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật dành cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN) học sinh, sinh viên (HSSV)” trên địa bàn TP Cần Thơ năm 2024. Thành viên Ban Tổ chức có lãnh đạo nhiều Sở, Ban, ngành trên địa bàn thành phố.
Cuộc thi được tổ chức bằng hình thức trực tuyến; thí sinh đăng nhập vào địa chỉ: phapluattructuyenhssv.gov.vn để trả lời Bộ câu hỏi trắc nghiệm đã được thiết kế sẵn. Đối tượng hướng đến là ĐVTN; học sinh các trường THCS, THPT; sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng, trung cấp; học viên các trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố.
Ban Tổ chức cuộc thi
Nội dung cuộc thi tập trung vào các văn bản luật: Bộ Luật Hình sự, Bộ luật Dân sự; Luật Thanh niên; Luật Giáo dục; Luật Phòng, chống ma túy; Luật An ninh mạng, Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; các quy định pháp luật về an toàn giao thông; kiến thức pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường và các văn bản có liên quan…
Cuộc thi hướng đến bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật, phát huy tinh thần tự giác tìm hiểu pháp luật cho ĐVTN, HSSV. Đồng thời, tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, giúp giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật trong ĐVTN, HSSV. Qua đó, phát huy hiệu quả và chất lượng công tác tuyên truyền PBGDPL thông qua các hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng.
Ông Lê Việt Sĩ - Giám đốc Sở Tư pháp phát biểu tại cuộc họp
Ông Lê Việt Sĩ – Giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ yêu cầu, nội dung cuộc thi cần phù hợp với đối tượng dự thi, bám sát các quy định của các văn bản pháp luật có liên quan. Theo ông Sĩ, cuộc thi năm nay có điểm mới là sẽ soạn một bộ câu hỏi khoảng 100 câu hỏi. Mỗi đề thi 20 câu được xáo trộn từ đề thi Ban Tổ chức biên soạn. Đặc biệt, cuộc thi sẽ không đưa ra câu hỏi “có bao nhiêu người trả lời đúng?” mà thay vào đó sẽ lựa chọn người chiến thắng dựa vào thời gian trả lời các câu hỏi. “Ban Tổ chức sẽ đưa nội dung trả lời nhanh nhất và tham gia sớm nhất” vào tiêu chí chấm điểm. Điều này, thúc đẩy sự tìm hiểu và nghiên cứu pháp luật của các em, giúp các em nắm rõ hơn những kiến thức pháp luật cần thiết.
“Tìm hiểu pháp luật phải làm thường xuyên. Quan trọng là giải quyết vấn nạn giới trẻ ít quan tâm pháp luật, giảm thiểu hành vi vi phạm pháp luật tạo gánh nặng cho xã hội. Qua các lượt thi, giới trẻ ít nhiều sẽ biết được quy định cơ bản của pháp luật để vận dụng vào đời sống. Các ngành cần triển khai trên tinh thần sớm, nhanh và rộng rãi từng đơn vị, địa phương. Cuộc thi phải đảm bảo tính công bằng, công khai, dân chủ”, ông Sĩ nhấn mạnh.