Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Nhà lãnh đạo yêu nước, thương dân

Chủ tịch Tôn Đức Thắng - nhà lãnh đạo mẫu mực, người cộng sản kiên trung, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời - suốt đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.  

Chủ tịch Tôn Đức Thắng nói chuyện với đại biểu dự Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 4 (20-23/2/1973), tại Hội trường Ba Đình. (Ảnh: TTXVN)

Cách đây 136 năm, ngày 20/8/1888, Chủ tịch Tôn Đức Thắng được sinh ra trong một gia đình nông dân ở Cù lao Ông Hổ, làng An Hòa, tổng Định Thành Hạ, hạt Long Xuyên, nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Thân phụ là cụ Tôn Văn Đề và thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Dị, đều là những nông dân cần cù, hiền lành, chất phác.

TẤM LÒNG YÊU NƯỚC, THƯƠNG DÂN SÂU SẮC

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng sôi nổi, phong phú, đầy gian lao, thử thách và vinh quang của Chủ tịch Tôn Đức Thắng mà đồng bào, đồng chí trìu mến gọi là Bác Tôn gắn liền với lịch sử đấu tranh oanh liệt của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Là người con ưu tú của quê hương An Giang giàu truyền thống yêu nước anh hùng và cách mạng, ngay từ khi còn là học sinh, Đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào yêu nước chống thực dân Pháp. Trong những năm tháng tuổi trẻ bôn ba ở nước ngoài, hoạt động trong phong trào công nhân Pháp, Đồng chí đã tham gia cuộc nổi dậy của Hải quân Pháp ở Biển Đen ngày 20/4/1919, ủng hộ cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, chống sự can thiệp vũ trang của các nước đế quốc đối với Nhà nước Xô-viết non trẻ, góp phần bảo vệ thành trì của cách mạng vô sản thế giới.

Năm 1920, Bác Tôn đã bí mật tổ chức, tập hợp lực lượng công nhân, thành lập Công hội bí mật với mục đích là đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau và đấu tranh chống áp bức bóc lột của chính quyền thực dân, bênh vực quyền lợi của công nhân, từng bước chuyển phong trào công nhân Việt Nam từ giai đoạn “tự phát” sang giai đoạn “tự giác”, tạo nên cơ sở xã hội quan trọng để giai cấp công nhân vươn lên tiếp nhận học thuyết cách mạng, khoa học, tiên tiến của của thời đại.

Những năm tháng bị tù đày gian khổ trong ngục tù đế quốc, lòng yêu nước, thương dân không ngừng được hun đúc trong con người Tôn Đức Thắng với đức hy sinh và tình thương yêu đối với đồng chí, anh em. Hình ảnh người chiến sĩ cách mạng chân chính, gần gũi, phương pháp thuyết phục, sự quan tâm chăm sóc sức khỏe các bạn tù, đồng thời vững vàng, gan góc trước bọn cai ngục, thậm chí sẵn sàng che thân hứng chịu những trận đòn roi tàn bạo của kẻ thù để che chở cho đồng chí, đồng đội đã tạo sự cảm phục, tin yêu đối với tù nhân. Đồng chí đã tổ chức sáng lập Chi bộ đặc biệt ở Nhà tù Côn Đảo và trở thành một trong những người lãnh đạo của các tù nhân Côn Đảo. Cùng với các chiến sĩ cộng sản khác, Đồng chí đã tích cực đấu tranh đòi cải thiện điều kiện sinh hoạt và biến chốn lao tù đế quốc tăm tối, tàn bạo thành trường học cách mạng.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng và các đại biểu dự Đại hội Mặt trận thống nhất Việt Nam, ngày 31/1/1977 (Ảnh tư liệu)

Cách mạng Tháng Tám thành công, từ nhà tù Côn Đảo trở về, vừa đặt chân lên đất liền, Bác Tôn đã tham gia ngay vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tháng 3/1946, Bác Hồ và Chính phủ đón Bác Tôn ra Hà Nội. Bác được Đảng, Nhà nước phân công đảm nhận nhiều trọng trách quan trọng: Trưởng Ban Đảng, Nhà nước phân công đảm nhận nhiều trọng trách quan trọng: Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch danh dự Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Chủ tịch Hội Việt - Xô hữu nghị, Ủy viên Hội đồng hòa bình thế giới, Phó Chủ tịch nước. Ngày 22/9/1969, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa III, Đồng chí được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội thống nhất vào tháng 7/1976, Đồng chí được bầu làm chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đồng chí từ trần ngày 30/3/1980 tại thủ đô Hà Nội, hưởng thọ 92 tuổi.

NHÀ LÃNH ĐẠO MẪU MỰC, NGHĨA TÌNH VÀ LIÊM KHIẾT

Bác Hồ từng dạy: “Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa” và chính Bác Tôn đã lĩnh hội chủ nghĩa Mác - Lênin theo tinh thần nhân văn cao cả đó: Bác thương những người ruột thịt trong gia đình, bà con hàng xóm, thương những người thợ cùng làm, cùng cảnh ngộ, thương đồng bào bị bóc lột, đàn áp; sống chí tình, chí nghĩa với đồng chí, bạn bè.

Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng khẳng định: Bác Tôn muốn sống như một con người thật bình thường. Chính vì thế, Bác Tôn vĩ đại... Bác thích một vị trí đảng viên cộng sản như mọi đảng viên, thích vị trí công dân trung thực, lương thiện, cố mang điều tốt, cố mang niềm vui, cố giảm nỗi đau cho đồng bào. Nhớ Bác Tôn, nhớ bài học mà Bác lấy cả đời mình làm mẫu, chính là tìm cái vĩ đại trong cái bình thường của một con người coi như đơn giản mà cực kỳ phức tạp khó khăn đối với những ai nắm quyền trong tay.

Trải qua nhiều trọng trách được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, Bác Tôn là tấm gương mẫu mực về tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh cách mạng kiên cường, lòng trung thành, tận tụy; đạo đức trong sáng, mẫu mực, đức tính khiêm tốn, giản dị; tình thương yêu đồng chí, đồng bào; tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết quốc tế vô sản trong sáng.

Trên cương vị Chủ tịch nước, dù bận rất nhiều công việc, Bác Tôn vẫn quan tâm thăm hỏi, động viên các đồng chí thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Hằng năm, vào dịp Ngày thương binh, liệt sĩ 27/7, Bác thường gửi thư thăm hỏi ân cần đến các đồng chí thương binh, bệnh binh, các gia đình liệt sĩ, gia đình bộ đội. Bác động viên anh em yên lòng chữa bệnh và nhắc nhở cán bộ, nhân viên điều trị hết lòng chăm sóc, chữa bệnh cho anh em thương binh, bệnh binh.

 Bác Hồ và Bác Tôn tham dự kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá I (từ ngày 29/12/1956 đến25/1/1957)

Trong cuộc sống hằng ngày, Bác Tôn rất khiêm tốn, giản dị, thanh bạch, liêm khiết, chính trực và nghĩa tình. Bác ghét thói đặc quyền, đặc lợi, không bao giờ lợi dụng vị trí công tác của mình để mưu cầu hạnh phúc riêng cho gia đình, cá nhân. Cả ba lần Trung ương định xây nhà cho Bác và người thân, nhưng Bác đều từ chối. Bác cho rằng, trong khi đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, mình ở như thế là tốt lắm rồi. Bác chỉ ở cùng gia đình trong căn nhà số 35, Trần Phú, Hà Nội. Sau khi Bác gái qua đời, khi thấy mình tuổi đã cao, Bác Tôn liền đề nghị chuyển gia đình các con ra ngoài ở để chuẩn bị sau này khi Bác qua đời, dễ bề trả lại ngôi nhà cho Nhà nước. Một hành động nhỏ nhưng chứa đựng cả một triết lý nhân sinh vô cùng cao đẹp, thể hiện nếp sống giản dị, liêm khiết của vị Chủ tịch nước đáng kính.

Có lần, một cán bộ chuẩn bị vượt Trường Sơn về Nam công tác, trước khi rời Hà Nội đồng chí đến thăm sức khỏe và chào Bác Tôn. Hôm đó thấy Bác mặc chiếc áo cũ bị rút ngắn, Bác may nối thêm một khúc. Đồng chí hỏi: “Bác ơi, làm Chủ tịch nước sao Bác mặc áo cũ nối thế này?”. Bác cười độ lượng trả lời: “Chủ tịch nước mặc áo nối thì dân mới có đủ cơm ăn”. Đồng chí rưng rưng nước mắt trước tấm lòng yêu nước, lo cho dân của Bác Tôn. Niềm vui và nỗi đau của đất nước chính là nhịp đập chung của trái tim giàu lòng nhân ái, cả cuộc đời chăm lo cho sự nghiệp chung, không màng danh vọng cá nhân.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang của mình, dù gặp muôn vàn gian nan, thử thách, Bác Tôn luôn nêu cao khí phách của người chiến sĩ cách mạng, một lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Tấm gương sáng ngời của Chủ tịch Tôn Đức Thắng là hiện thân tiêu biểu cho tính cách, khí chất, phong thái và nét văn hóa đặc sắc của người Nam Bộ nói chung và An Giang nói riêng: Thương người, hào sảng, trọng nghĩa, bao dung độ lượng, hết lòng vì bạn bè, đồng chí, dũng cảm, mưu trí, vượt mọi khó khăn trở ngại vì nghĩa lớn. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét: “Di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho Nhân dân là chất NGƯỜI Tôn Đức Thắng, sản phẩm tổng hợp của chất hào hiệp Nam Bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam, chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản, chất nhân đạo của con người. Tinh túy của chất ấy là lòng yêu nước, thương dân, niềm ưu ái với đồng bào, đồng chí; niềm tin sắt đá vào thắng lợi của cách mạng, mặc dù mọi khó khăn gian khổ, tinh thần một lòng một dạ phục vụ Nhân dân, đức chí công vô tư quên mình, sự khiêm tốn, giản dị, hồn nhiên, trong sáng” (1).

Năm 1958, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của Bác Tôn (20/8), Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định tặng Bác Tôn Huân chương Sao Vàng. Tại lễ trao tặng, trước khi gắn tấm Huân chương Sao Vàng lên ngực áo Bác Tôn, Bác Hồ rất vui và xúc động phát biểu: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là người con ưu tú của Tổ quốc, suốt 50 năm đã không ngừng hoạt động cách mạng. 17 năm bị thực dân Pháp cầm tù, chín năm tham gia lãnh đạo kháng chiến, bốn năm phấn thực dân Pháp cầm tù, chín năm tham gia lãnh đạo kháng chiến, bốn năm phấn đấu để bảo vệ hoà bình thế giới và đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất nước nhà. Đồng chí Tôn Đức Thắng 70 tuổi nhưng rất trẻ, đối với Đảng, đồng chí là 28 tuổi; đối với nước Việt Nam độc lập, đồng chí là 13 tuổi... Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: Suốt đời cần kiệm liêm chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân… Thay mặt Nhân dân và Chính phủ, tôi trân trọng trao tặng đồng chí Tôn Đức Thắng Huân chương Sao Vàng, là Huân chương cao quý nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà đồng chí Tôn Đức Thắng là người đầu tiên và là người rất xứng đáng được tặng đồng chí Tôn Đức Thắng là người đầu tiên và là người rất xứng đáng được tặng Huân chương ấy.

TRÁI TIM LUÔN HƯỚNG VỀ QUÊ HƯƠNG

Sớm thoát ly gia đình tham gia hoạt động cách mạng nên tình yêu và nỗi nhớ quê hương luôn da diết khôn nguôi, Bác luôn dành những tình cảm sâu nặng đối với quê hương. Trong trái tim Bác lúc nào cũng nghĩ tới đồng bào Miền Nam, về quê hương An Giang ruột thịt. Vào dịp Tết nguyên đán, hội đồng hương Long Châu Hà thường tổ chức họp mặt, Bác đều đến dự. Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe mọi người, âu yếm ôm hôn các bé, tặng quà và nói chuyện thân mật với những người họp mặt.

Trong bài viết gởi về miền Nam nhân dịp Quốc khánh 2/9/1959, Bác tâm sự: “Có những đêm khuya, bên bàn làm việc, có những buổi mai vừa thức giấc, hoặc những buổi chiều suy nghĩ, bâng khuâng, nhìn tấm bản đồ nước ta, hình dung non sông gấm vóc từ Nam Quan đến Cà Mau liền một dải, sao đôi mắt mình bỗng mờ đi khi dừng lại ở ranh giới giả tạo mà quân thù Mỹ - Diệm cố tình chia cắt nước ta”.

Phát biểu tại Hội nghị chính trị đặc biệt ngày 27/3/1964, trên cương vị Phó Chủ tịch nước, Bác Tôn chia sẻ: “Tôi muốn được nói với đồng bào miền Nam rằng, từng giờ, từng phút tôi luôn nghĩ đến miền Nam ... nhớ đến đồng bào miền Nam ruột thịt đã chịu bao đau thương tang tóc, đang chiến đấu anh dũng chống bọn cướp nước hại dân vô cùng hung ác. Tôi muốn được sát cánh với đồng bào trong cuộc đấu tranh, cùng đồng bào chia sẻ những gian khổ hy sinh để giải phóng quê hương yêu dấu nhưng đáng tiếc là chưa có điều kiện”.

Sau bao năm xa cách, tháng 10/1975, Bác Tôn có dịp về thăm quê hương An Giang. Chuyến về thăm quê tuy ngắn ngủi nhưng hết sức xúc động. Trong buổi họp mặt đại biểu nhân dân An Giang, Bác Tôn xúc động nói: “Hôm nay, Đảng và Nhà nước cho phép tôi về thăm quê nhà. Chưa bao giờ tôi thấy sung sướng như lúc này, khi cả nước được độc lập, tự do, Bắc - Nam thống nhất. Tôi chẳng mong gì hơn là An Giang trở thành tỉnh xuất sắc, giàu mạnh, Nhân dân được ấm no, ai cũng được học hành như Bác Hồ mong muốn trong Di chúc lịch sử của Người”.

Tinh hoa dân tộc, cốt lõi miền đất phóng khoáng và mộc mạc An Giang, tính cách người thợ thành phố Sài Gòn và phong trào công nhân, chủ nghĩa Mác -Lênin, lý tưởng cộng sản, trí tuệ và đức độ Hồ Chí Minh - tất cả tổng hợp nên một Tôn Đức Thắng, gia tài của dân tộc, của Nam bộ.

                                                Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương