Ngày 25/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 164/2024/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra Công an nhân dân.
Theo đó, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, cơ quan thanh tra Công an nhân dân giúp Thủ trưởng Công an cùng cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiến hành thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
Cơ quan thanh tra Công an nhân dân gồm: Thanh tra Bộ Công an; Thanh tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Thanh tra Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Thanh tra Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Công an huyện, thị xã, quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và Công an các đơn vị có quân số từ 200 cán bộ, chiến sĩ trở lên, bố trí cán bộ thanh tra chuyên trách; Công an các đơn vị có quân số dưới 200 cán bộ, chiến sĩ, bố trí cán bộ thanh tra kiêm nhiệm.
Số lượng cán bộ thanh tra chuyên trách, cán bộ thanh tra kiêm nhiệm tại các đơn vị do Thủ trưởng đơn vị quyết định.
Bên cạnh đó, đối tượng thanh tra bao gồm: Cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ Công an; Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam có nghĩa vụ chấp hành pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an; Cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có liên quan đến pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội thuộc phạm vi quản lý nhà n nước của Bộ Công an.
Nghị định số 164/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/02/2025; thay thế Nghị định số 41/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Phòng Nghiệp vụ 1 - STP