Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai thi hành một số luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV

Sáng 30/7/2024, Chính phủ phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan liên quan tổ chức hội nghị trực tiếp và trực tuyến quán triệt, triển khai một số Luật, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV. Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Quang cảnh điểm cầu tại Hội trường UBND thành phố Cần Thơ  

Tại điểm cầu thành phố Cần Thơ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố - Dương Tấn Hiển cùng đại diện Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố; Lãnh đạo các Ban của Hội đồng nhân dân thành phố; Lãnh đạo Tòa án nhân dân thành phố; Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân thành phố; Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh thành phố Cần Thơ; Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ; Bảo hiểm xã hội thành phố; Ủy ban nhân dân quận, huyện; Bưu điện Cần Thơ; Công ty Viễn thông Cần Thơ; Công ty Điện lực thành phố Cần Thơ; Báo Cần Thơ; Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố tham dự.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Chính phủ xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm và tập trung thực hiện đồng bộ từ xây dựng, hoàn thiện thể chế đến tổ chức thi hành pháp luật. Xác định đầu tư cho công tác xây dựng thể chế là đầu tư cho phát triển; hoàn thiện thể chế để khơi thông, thúc đẩy các đột phá khác, huy động mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là về hạ tầng. Thủ tướng nhấn mạnh, việc xây dựng, ban hành luật, nghị quyết đã khó, việc đưa các văn bản này đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng còn khó khăn hơn. Thực tế thời gian qua, công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn chưa thực sự hiệu lực, hiệu quả; chưa thực sự khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, nhất là liên quan tới các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…việc tổ chức hội nghị là hết sức cần thiết, nhằm tập trung quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, yêu cầu và nhiệm vụ chủ yếu để đưa các luật, nghị quyết mới ban hành vào cuộc sống, đồng thời điểm lại một số kết quả đã đạt được, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai một số luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua.

Qua đó, tại Hội nghị còn nghe các đại biểu của các Bộ, ngành tham luận, phát biểu ý kiến về triển khai thi hành Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; thực hiện Quy định 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Ban Chấp hành Trung ương về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; công tác triển khai thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng; một số nội dung trọng tâm và việc chuẩn bị nguồn lực thi hành Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Thủ đô; công tác chuẩn bị, kết quả tổ chức triển khai thi hành và những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình thi hành các Luật, Nghị quyết của Quốc hội…từ đó đề ra nhiệm vụ cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới và một số giải pháp, đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả triển khai thi hành các luật, nghị quyết.

                                                                                                                                Phòng Nghiệp vụ 1-Sở Tư pháp