Ngày 14/7/2023, Ban Tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi ban hành Công văn số 2207/BTC về việc hướng dẫn một số nội dung về tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi thành phố Cần Thơ năm 2023. Theo đó, nhằm triển khai thực hiện đạt kết quả cao theo Kế hoạch số 127/KH-UBND ngày 13 tháng 6 năm 2023 của Ủy ban nhân dân thành phố về tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi thành phố Cần Thơ năm 2023, Thể lệ số 2015/TL-BTC Hội thi Hòa giải viên giỏi thành phố Cần Thơ năm 2023, Ban Tổ chức hướng dẫn một số nội dung để các Đội dự thi có sự chuẩn bị tốt, cụ thể như sau:
1. Về đối tượng dự thi
Mỗi đơn vị quận, huyện chọn 01 đội dự thi gồm 03 thành viên chính thức, 01 thành viên dự bị, đều là hòa giải viên (được công nhận theo Quyết định của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn), trong đó, 01 thành viên làm đội trưởng. Ngoài ra, phần thi giới thiệu và phần thi tiểu phẩm có thể được huy động thêm tối đa 05 cá nhân khác tham gia các tiết mục dự thi.
2. Về thời gian các phần thi
Đối với các phần thi theo Thể lệ đề ra, Ban Tổ chức quy định trừ điểm, như sau:
- Phần thi giới thiệu (quy định thời gian tối đa 03 phút) và phần thi tiểu phẩm (quy định thời gian tối đa 06 phút), nếu vượt quá thời gian quy định đến dưới 01 phút, trừ 0,25 điểm, vượt quá thời gian quy định từ 01 phút trở lên, trừ 0,5 điểm.
- Phần thi xử lý tình huống (quy định thời gian tối đa 05 phút), phần trả lời vượt quá 05 phút sẽ không được tính điểm.
3. Đối với phần thi xử lý tình huống và tiểu phẩm
a) Phần thi xử lý tình huống:
- Xác định được mâu thuẫn, nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn trong tình huống;
- Phân tích những nội dung cơ bản của tình huống;
- Căn cứ để giải quyết (bao gồm quy định pháp luật và vận dụng phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong giải quyết mâu thuẫn);
- Đưa ra cách giải quyết tình huống đó.
b) Phần thi tiểu phẩm:
- Nội dung:
+ Phù hợp chủ đề, nội dung theo quy định tại Thể lệ Hội thi Hòa giải viên giỏi thành phố Cần Thơ năm 2023;
+ Nội dung pháp luật được vận dụng đảm bảo chính xác; lời thoại của tiểu phẩm ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu, chú trọng những nội dung thực tiễn thường xảy ra tại địa phương;
+ Có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương;
+ Bài học kinh nghiệm rút ra từ tiểu phẩm.
- Về hình thức:
+ Tiểu phẩm được thể hiện một cách sáng tạo, có cốt truyện hấp dẫn, bố cục chặt chẽ, phù hợp tình hình thực tiễn ở địa phương;
+ Trang phục, đạo cụ, âm nhạc…phù hợp với nội dung, thông điệp cần truyền tải; hình thức thể hiện sinh động, hấp dẫn;
+ Các thành viên tham gia diễn xuất đảm bảo câu từ dễ hiểu, lời thoại rõ ràng, sáng tạo, xử lý tốt tình huống trong thể hiện vai diễn, bộc lộ được tính cách từng nhân vật, thể hiện được nội tâm, tâm trạng nhân vật...vv.
4. Về Bộ câu hỏi tham khảo
Ban Tổ chức biên soạn các câu hỏi phần thi trắc nghiệm (gồm 30 câu) và phần thi xử lý tình huống (gồm 12 tình huống) được gửi kèm theo Công văn này để các Đội thi tham khảo.
5. Về việc gửi danh sách Đội dự thi và kịch bản tiểu phẩm
- Phòng Tư pháp quận, huyện lập danh sách đội dự thi (theo mẫu đính kèm) và kịch bản phần thi tiểu phẩm của đơn vị gửi về Phòng Nghiệp vụ 1 - Sở Tư pháp chậm nhất ngày 30 tháng 7 năm 2023.
- Việc thay đổi thành viên chính thức của đội thi phải thông báo bằng văn bản cho Ban Tổ chức Hội thi thành phố chậm nhất trước 24 giờ tính đến thời điểm dự thi.
Công văn hướng dẫn Hội thi Hòa giải viên giỏi thành phố đăng tải trên trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật (https://pbgdpl.cantho.gov.vn).
Phòng Nghiệp vụ 1-Sở Tư pháp