Ngày 18/3/2024, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND về triển khai, phổ biến các văn bản luật được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 6, kỳ họp bất thường lần thứ 5 thông qua.
Theo đó, nhằm phổ biến, quán triệt nội dung các văn bản luật mới đến các cơ quan, ban ngành, các cấp; đồng thời, xác định nhiệm vụ của các ngành, các cấp trong việc tổ chức triển khai 09 văn bản luật được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 6, kỳ họp bất thường lần thứ 5 thông qua. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong triển khai thi hành Luật; gắn công tác xây dựng pháp luật với công tác thi hành pháp luật. Việc triển khai, phổ biến các văn bản luật đảm bảo nội dung cơ bản, nhấn mạnh những điểm mới, những điểm được sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật; cần vận dụng, liên hệ thực tiễn ở ngành, lĩnh vực, địa phương để nội dung phổ biến được phù hợp, sinh động và thiết thực. Công tác triển khai, phổ biến các văn bản luật được tiến hành kịp thời, đồng bộ, toàn diện, thống nhất, hiệu quả và tiết kiệm; hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến đa dạng và phù hợp với từng đối tượng, tập trung lựa chọn những hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả ra Nhân dân.
Nội dung theo Kế hoạch triển khai, phổ biến các luật cụ thể như sau:
- Luật Căn cước 2023 gồm 07 chương, 46 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 cần tập trung phổ biến: Những quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023 gồm 05 chương, 33 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 cần tập trung phổ biến: Những quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
- Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự 2023 gồm 06 chương, 34 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 cần tập trung phổ biến: Những quy định về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; chế độ, chính sách trong hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
- Luật Kinh doanh bất động sản 2023 gồm 10 chương, 83 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 cần tập trung phổ biến: Những quy định về kinh doanh bất động sản, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong kinh doanh bất động sản và quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản.
- Luật Nhà ở 2023 gồm 13 chương, 198 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 cần tập trung phổ biến: Những quy định về sở hữu, phát triển, quản lý vận hành, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam.
- Luật Tài nguyên nước 2023 gồm 10 chương, 86 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 2024 cần tập trung phổ biến: Những quy định về quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Luật Viễn thông 2023 gồm 10 chương, 73 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 cần tập trung phổ biến: Những quy định về hoạt động viễn thông; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông; quản lý nhà nước về viễn thông.
- Luật Đất đai 2024 gồm 16 chương, 260 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 cần tập trung phổ biến: Những quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Luật Các tổ chức tín dụng 2024 gồm 15 chương, 210 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 cần tập trung phổ biến: Những quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể, phá sản tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, giải thể, chấm dứt hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài; việc thành lập, hoạt động của văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ.
Phòng Nghiệp vụ 1-Sở Tư pháp