Sau Hội nghị thành lập Đảng ngày 3/2/1930, công tác lý luận, tuyên truyền, cổ động của Đảng nhằm giác ngộ cách mạng cho quần chúng nhân dân hiểu Đảng, ủng hộ, tin và đi theo Đảng là yêu cầu cấp thiết, Đảng đã thành lập Ban Cổ động và Tuyên truyền. Sau đó, nhân kỷ niệm ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, ngày 1/8/1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng đã xuất bản tài liệu “Ngày quốc tế đỏ 01/8”, kêu gọi binh lính đoàn kết với nhân dân, hưởng ứng cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc. Đây là tài liệu duy nhất, sớm nhất còn lưu giữ cho đến nay đề rõ “Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ấn hành”. Tài liệu này khi được phát hành đã có sức cổ vũ to lớn đối với quần chúng công nông, cả nước đã nổ ra hàng trăm cuộc mít tinh, biểu tình đứng lên đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ Liên bang Xô-viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Từ đó, ngày 01/8 trở thành một mốc lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng, đánh dấu một hoạt động rất có ý nghĩa trong công tác tuyên giáo của Đảng.
Từ sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt này, năm 2000, Bộ Chính trị (Khoá VIII) quyết định lấy ngày 01/8 hằng năm làm Ngày Truyền thống công tác tư tưởng – văn hoá của Đảng. Năm 2007, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) quyết định lấy ngày 01/8 hằng năm làm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo.
Tuy vậy, thực tiễn cách mạng chứng minh công tác tuyên giáo gắn liền với quá trình ra đi tìm con đường cứu nước và truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, thức tỉnh dân tộc Việt Nam đứng lên “đem sức ta mà giải cho ta” của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Trong quá trình hoạt động cách mạng, công tác tuyên truyền được Nguyễn Ái Quốc và các chiến sĩ cách mạng tiền bối trực tiếp tiến hành bằng các hình thức in ấn, xuất bản, phát hành tài liệu, sách, báo, truyền đơn, tổ chức huấn luyện lý luận chính trị cho cán bộ…Những hoạt động đó đã góp phần tích cực cho việc thành lập Đảng và thắng lợi của các phong trào cách mạng sau này.
Suốt hơn 93 năm qua và trong thực tế lịch sử hơn 1 thế kỷ qua, truyền thống Ngành Tuyên giáo đã mang ý nghĩa chính trị, tư tưởng, văn hoá sâu sắc, khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của công tác tư tưởng. Trải qua bất cứ giai đoạn cách mạng nào, lĩnh vực tuyên giáo cũng luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng. Trong sự nghiệp đổi mới đất nước ngày nay, công tác tuyên giáo của Đảng đã tiếp tục phát huy vai trò trên mặt trận tư tưởng, lý luận và các lĩnh vực tuyên truyền, giáo dục, văn hoá, văn nghệ, khoa học, đối ngoại…. Hệ thống ngành tuyên giáo được tổ chức chặt chẽ từ Trung ương đến cấp xã, phường, thị trấn, các tổ chức đoàn thể với hàng trăm ngàn cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách, báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận xã hội, các nhà lý luận, khoa học, nhà văn hoá, nhà giáo, nhà báo, văn nghệ sỹ…Phải nói đây là một lực lượng hùng hậu làm nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục của Đảng.
Lớp lớp thế hệ cán bộ ngành tuyên giáo được Đảng quan tâm chăm lo, đào tạo, giáo dục, rèn luyện không chỉ lớn mạnh về số lượng mà còn dày dạn kinh nghiệm thực tiễn, được kinh qua thử thách, khó khăn, với những phương tiện và điều kiện hoạt động ngày càng hiệu quả, tác động đến tư tưởng, trí tuệ, tình cảm của mỗi con người một cách tinh tế, nhạy bén. Từ việc đúc kết thực tiễn, công tác tuyên giáo đã cung cấp những luận cứ khoa học, góp phần hình thành hệ thống các luận điểm mới trong đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; giáo dục, tuyên truyền có hiệu quả Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước; tham mưu xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Nguồn: Sưu tầm