Ngày Quốc tế phòng chống tham nhũng 9/12

Ngày Quốc tế phòng chống tham nhũng viết tắt là IACD (International Anti-Corruption Day) được khởi xướng kể từ khi Liên Hiệp Quốc thông qua Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng vào ngày 31 Tháng 10 năm 2003 và từ đó chọn ngày 09 tháng 12 hàng năm là Ngày Quốc tế phòng, chống tham nhũng.

Đây là sự kiện thường niên do Liên hợp quốc tổ chức với mục đích nâng cao nhận thức của công chúng về tham nhũng và vinh danh những người chống tham nhũng trong cộng đồng và chính phủ của họ.

Tại Việt Nam, ngày 30 tháng 6 năm 2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký Quyết định số 950/2009/QĐ-CTN "Về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng", theo đó Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Công ước kể từ ngày 19 tháng 8 năm 2009. Sau hơn 14 năm tham gia Công ước, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng theo hướng nâng cao mức độ tuân thủ các yêu cầu của Công ước, chú trọng toàn diện ở cả khía cạnh phòng ngừa và phát hiện, xử lý tham nhũng; từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng tăng cường sự công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ; quản lý, sử dụng có hiệu quả tài chính công, tài sản công; phát huy sự tham gia tích cực của người dân và xã hội trong giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, cũng như nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật nói chung và hành vi tham nhũng nói riêng. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã đưa ra hàng loạt biện pháp nhằm đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng như mở rộng chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn, kèm theo các hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức ở khu vực ngoài nhà nước (hành vi tham ô, nhận hối lộ, đưa hối lộ và môi giới hối lộ), để từ đó quy định các cơ chế, biện pháp phòng, chống tham nhũng phù hợp, hiệu quả; tăng cường các biện pháp phòng ngừa theo yêu cầu của Công ước, đẩy mạnh công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ; thực hiện trách nhiệm giải trình, kiểm soát xung đột lợi ích kết hợp với cơ chế chủ động kiểm soát chặt chẽ tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; bổ sung các biện pháp xử lý vi phạm pháp luật.

Hành vi được xem là tham nhũng căn cứ theo Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định các hành vi tham nhũng cụ thể như sau:

1. Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm:

a) Tham ô tài sản;

b) Nhận hối lộ;

c) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

đ) Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;

g) Giả mạo trong công tác vì vụ lợi;

h) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi;

i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi;

k) Nhũng nhiễu vì vụ lợi;

l) Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;

m) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

2. Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm:

a) Tham ô tài sản;

b) Nhận hối lộ;

c) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.

Phòng Nghiệp vụ 1-Sở Tư pháp