Ngày 01/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 203/NQ-CP về Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11 năm 2023. Theo đó, trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, tổ chức ngày 17 tháng 11 năm 2023 Quyết nghị:
Xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược của Đảng. Thực hiện chủ trương của Đảng, trong 11 tháng của năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hoàn thành nhiều nhiệm vụ lập pháp, lập quy, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, đòi hỏi có tầm nhìn mới, tư duy mới về công tác xây dựng pháp luật, điều hành và quản lý nhà nước. Chính phủ đánh giá cao các bộ, cơ quan đã chủ động nghiên cứu, xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành nhiều dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã tổ chức 09 Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến đối với 40 nội dung quan trọng, trong đó có 16 Đề nghị xây dựng luật, 14 dự án Luật và 10 nội dung khác, được các cơ quan có thẩm quyền và Nhân dân cả nước ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ. Trong thời gian tới, để hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng pháp luật, Chính phủ yêu cầu:
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV; các đồng chí Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực trực tiếp chỉ đạo việc tiếp thu, hoàn thiện các dự án Luật, nhất là các vấn đề còn ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng, tính khả thi trong thực tiễn thi hành của các dự án luật.
- Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu đổi mới quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tổng kết thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp trong công tác xây dựng pháp luật; hồ sơ dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải thuyết minh rõ lý do kế thừa quy định tại văn bản được sửa đổi, bổ sung, lý do sửa đổi, bổ sung, ban hành mới từng quy phạm pháp luật, nội dung phân cấp, phân quyền và cải cách thủ tục hành chính.
- Văn phòng Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2022 nhằm đẩy nhanh tiến độ trình, xem xét, cho ý kiến, thông qua dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; làm rõ cơ chế xử lý, quyết định những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lập pháp, lập quy.
- Các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành mình; chịu trách nhiệm cá nhân người đứng đầu nếu để xảy ra việc chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh. Bộ Tư pháp theo dõi, nắm tình hình, đôn đốc và thường xuyên báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nội dung này.
- Các bộ, cơ quan tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; bảo đảm tiến độ và chất lượng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao năng lực phản ứng chính sách trong bối cảnh tình hình thực tiễn diễn biến nhanh và có nhiều điểm mới, chưa có tiền lệ; đầu tư công sức, nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật, thể chế; bổ sung, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác pháp chế; có chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp cho cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong xây dựng pháp luật.
- Các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải cụ thể hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo đánh giá chất lượng của dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; triệt để tuân thủ nguyên tắc tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, tăng cường năng lực thực thi cho các cơ quan ở cơ sở, cơ quan trực tiếp áp dụng pháp luật ở địa phương; đơn giản, cắt giảm hóa thủ tục hành chính, giảm tối thiểu chi phí tuân thủ của thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, kiểm soát thủ tục hành chính ngay trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng các quy định thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh phù hợp với từng nội dung dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và yêu cầu quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 11 năm 2023, Chính phủ cho ý kiến đối với 03 Đề nghị xây dựng Luật, bao gồm: Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước; Đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi). Chính phủ quyết nghị các nội dung cụ thể đối với 03 Đề nghị xây dựng luật như sau:
- Về Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
- Về Đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước .
- Về Đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi).
Phòng nghiệp vụ 1-Sở Tư pháp