Quy định cụ thể để hạn chế tình trạng tiếp cận đất đai không thông qua đấu giá, đấu thầu

Dự thảo Luật Ðất đai sửa đổi trên tiêu chí đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; hoàn thiện các chế định thúc đẩy giao dịch về quyền sử dụng đất, thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh. Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng cần cân nhắc, quy định cụ thể hơn đối với các trường hợp thu hồi đất để thực hiện đấu giá, đấu thầu; bổ sung quy định về cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm, để khi áp dụng vào thực tiễn không còn vướng mắc, bất cập.

Cần quy định cụ thể các dự án thu hồi đất để thực hiện đấu giá, đấu thầu nhằm hạn chế tình trạng tiếp cận đất đai không thông qua đấu giá, đấu thầu. Trong ảnh: Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị - hạng mục Công trình xây dựng hạ tầng cơ sở khu tái định cư An Bình, phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. 

Dự thảo Luật Ðất đai sửa đổi quy định: dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là các dự án phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thực hiện chính sách về phát triển hạ tầng, đô thị, nông nghiệp, nông thôn; giải quyết các vấn đề chính sách xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản văn hóa, phân bổ công bằng, hài hòa giá trị tăng thêm từ đất, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nhằm phát triển kinh tế của đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, bao gồm: dự án công trình đầu tư công hoặc dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; dự án do Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án công trình công cộng không nhằm mục đích kinh doanh; dự án tạo quỹ đất do Nhà nước đầu tư; dự án xây dựng trụ sở làm việc của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.

Dự án công trình để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng không thuộc trường hợp quy định bao gồm: dự án tái định cư; dự án xây dựng ký túc xá cho sinh viên; dự án xây dựng nhà ở xã hội; dự án xây dựng nhà ở công vụ; dự án xây dựng nhà ở tập trung cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp; dự án xây dựng công trình thu gom, xử lý chất thải; dự án xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư; dự án xây dựng cơ sở tôn giáo; dự án xây dựng chợ tại các xã vùng nông thôn; dự án xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; dự án khu công nghiệp; khu chế xuất; khu công nghệ cao; cụm công nghiệp; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung; dự án đô thị sử dụng các loại đất không phải là đất ở; dự án khu dân cư nông thôn sử dụng các loại đất không phải là đất ở; dự án lấn biển.

Dự án, công trình phải đáp ứng tiêu chí, điều kiện bao gồm: dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở; dự án khai thác khoáng sản; dự án chỉnh trang đô thị, chỉnh trang khu dân cư nông thôn. Tiêu chí, điều kiện thu hồi đất đối với dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở chỉ thu hồi đất để tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất. Luật gia Ðỗ Thanh Tùng, ngụ phường An Bình, quận Ninh Kiều, cho biết: "Dự thảo luật quy định như thế là hoàn toàn phù hợp. Vì theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nhà nước chủ yếu thực hiện việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Do đó, cần phải quy định cụ thể các dự án thu hồi đất để thực hiện đấu giá, đấu thầu nhằm hạn chế tình trạng tiếp cận đất đai không thông qua đấu giá, đấu thầu. Việc này sẽ mang lại hiệu quả cao nhất trong sử dụng nguồn lực đất đai". 

Tại Ðiều 50, Dự thảo Luật Ðất đai sửa đổi lần này đã bổ sung quy định về cho phép chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm”. Tổ chức kinh tế, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được bán tài sản gắn liền với đất thuê của Nhà nước khi có đủ các điều kiện sau đây: tài sản gắn liền với đất thuê được tạo lập hợp pháp theo quy định của pháp luật; đã hoàn thành việc xây dựng theo đúng quy hoạch xây dựng chi tiết và dự án đầu tư đã được phê duyệt, chấp thuận, trừ trường hợp phải thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực thi hành hoặc kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về thanh tra, kiểm tra. Ngoài ra, tổ chức kinh tế, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất được bán tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê khi có đủ các điều kiện nêu trên và đã ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng mà chưa khấu trừ hết vào tiền thuê đất phải nộp. Dự thảo Luật bổ sung quyền chuyển nhượng, thế chấp tài sản gắn liền với đất và “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm” nhằm thể chế hóa chủ trương tại Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết số 18-NQ/TW về “đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất”, “cơ bản thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hằng năm”. Ông Nguyễn Thanh Toàn, hành nghề môi giới bất động sản tại quận Bình Thủy, cho rằng: "Quyền sử dụng đất hay quyền thuê đất là tài sản, nếu là tài sản thì có thể bán, thế chấp. Quyền thuê cũng giống như quyền sử dụng đất, khi nhà đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận và thực hiện nghĩa vụ tài chính đầy đủ với Nhà nước. Quy định này đảm bảo hơn quyền sử dụng đất của cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, quy định này rất mới, các nhà làm luật cần thận trọng và quy định cụ thể hơn để đảm bảo việc áp dụng khi luật có hiệu lực".

Nguồn: Báo Cần Thơ