Ngày 13/10/2023, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Báo cáo số 308/BC-UBND về thành tựu 20 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và định hướng phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Trải qua 20 năm khi thành phố Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tầm nhìn chiến lược trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương ngày văn minh, hiện đại, trở thành đô thị hạt nhân, có vai trò trung tâm động lực phát triển vùng ĐBSCLluôn được thể hiện xuyên suốt trong các chủ trương, quyết sách của Trung ương, của thành phố; đặc biệt khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17 tháng 02 năm 2005 về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đã tạo ra nền tảng quan trọng cho những thành tựu mà thành phố Cần Thơ đạt được về một “thành phố đồng bằng cấp quốc gia văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông; là trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ, du lịch, trung tâm giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, trung tâm y tế và văn hóa, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng ĐBSCL và của cả nước”.
Năm 2009 là một dấu mốc quan trọng, thành phố Cần Thơ đã hoàn thành mục tiêu đầu tiên hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc Trung ương tại Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2009. Diện mạo thành phố cả nội và ngoại thành đã có những thay đổi đáng kể: nhiều khu đô thị mới, khu dân cư - thương mại, dịch vụ ở các quận huyện, nhất là ở Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy được đầu tư theo hướng hiện đại; đầu tư hình thành một số khu chức năng đặc thù, các công trình dịch vụ phức hợp, hệ thống công trình hạ tầng phục vụ cộng đồng của thành phố đã phát huy hiệu quả, thành phố được vinh danh "Cảnh quan đô thị Châu Á 2016".
Năm 2020, qua kết quả tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, hỗ trợ tích cực của Bộ, ngành Trung ương và các địa phương, Cần Thơ đã nắm bắt kịp thời, tận dụng thời cơ thuận lợi, tăng cường liên kết với các địa phương và phát huy các nguồn lực xã hội để xây dựng và phát triển thành phố phù hợp với điều kiện thực tiễn, tạo được những dấu ấn phát triển đáng tự hào, từng bước trở thành một trong những động lực tăng trưởng của vùng ĐBSCL và từng bước khẳng định vai trò trung tâm của vùng ĐBSCL về công nghiệp và dịch vụ; hướng tới là đô thị hạt nhân của vùng ĐBSCL và là một trong sáu đô thị trọng điểm thực hiện Đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu.
Kết nối mạng lưới đô thị và kết cấu hạ tầng đô thị, đặc biệt là hạ tầng giao thông, được cải thiện đã góp phần giúp Cần Thơ thực hiện vai trò đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế. Hoàn thành trước thời hạn chương trình nông thôn mới và tiếp tục xây dựng các xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
Thành phố được vinh danh, nhận Chứng chỉ thành phố không khí sạch ASEAN năm 2017, tiềm năng trở thành thành phố bền vững về môi trường ASEAN lần thứ 3; năm 2021 nhận Giải thưởng các thành phố ASEAN bền vững về môi trường lần thứ 5; đây là động lực, thúc đẩy thành phố phấn đấu trở thành các thành phố kiểu mẫu của ASEAN trong việc giữ môi trường xanh, sạch. Từng bước khẳng định vai trò trung tâm vùng ĐBSCL về văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, ở mức thấp nhất vùng ĐBSCL và thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn quốc. Quan tâm thiết lập, mở rộng và đa dạng hóa các hình thức quan hệ với các đối tác nước ngoài; thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác, giao lưu văn hóa, thương mại với các nước bạn. Qua đó đã góp phần vào sự phát triển chung của vùng ĐBSCL, kịp đà phát triển với các vùng miền khác của cả nước, tạo lợi thế cho sự phát triển bền vững.
Những thành tựu phát triển kinh tế trong 20 năm thành phố trực thuộc Trung ương đã từng bước khẳng định được vai trò trung tâm của vùng ĐBSCL, góp phần tích cực vào sự phát triển của vùng và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của cả nước, cụ thể:
- Quy mô nền kinh tế từng bước được cải thiện, chất lượng và năng lực cạnh tranh từng bước được nâng lên; diện mạo thành phố thay đổi theo hướng khang trang, tiến bộ, văn minh, hiện đại.
- Tăng cường đầu tư, nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số cho thành phố.
- Công tác quy hoạch, phát triển đô thị và quản lý phát triển đô thị gắn với bố trí lại dân cư có nhiều đổi mới, triển khai khá đồng bộ, chất lượng đô thị được nâng lên.
- Xây dựng và phát triển văn hóa đạt nhiều kết quả tích cực, thực hiện tốt chính sách xã hội, giảm nghèo và cải thiện đời sống nhân dân; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,52%, thấp nhất so với các tỉnh trong vùng và thấp hơn so với mức bình quân cả nước.
- Công tác cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư có bước chuyển biến quan trọng theo hướng phục vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh.
- Quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên; thực hiện đồng bộ, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu.
- Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống; giữ vững vai trò địa bàn trọng điểm, giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng ĐBSCL và cả nước.