- Theo quy định tại Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động, thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương gồm: Nghỉ giữa giờ; Nghỉ giải lao theo tính chất của công việc; Nghỉ cần thiết trong quá trình lao động đã được tính trong định mức lao động cho nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người; Thời giờ nghỉ đối với lao động nữ khi mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi; Thời giờ phải ngừng việc không do lỗi của người lao động; Thời giờ hội họp, học tập, tập huấn do yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc được người sử dụng lao động đồng ý; Thời giờ người học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động; Thời giờ mà người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ; Thời giờ khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, giám định y khoa để xác định mức độ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nếu thời giờ đó được thực hiện theo sự bố trí hoặc do yêu cầu của người sử dụng lao động...Trừ các trường hợp đặc biệt được quy định tại Điều 108 của Bộ luật Lao động, các trường hợp khác khi tổ chức làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải được sự đồng ý của người lao động tham gia làm thêm về các nội dung sau đây: Thời gian làm thêm; Địa điểm làm thêm; Công việc làm thêm.
- Về giới hạn số giờ làm thêm, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP nêu rõ, tổng số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày làm việc bình thường, trừ trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày và trường hợp làm việc không trọn thời gian thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày. Tổng số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong một ngày, khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần.
- Về nghỉ trong giờ làm việc, thời gian nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục được áp dụng đối với người lao động làm việc từ 06 giờ trở lên trong một ngày, trong đó có ít nhất 03 giờ làm việc trong khung giờ làm việc ban đêm. Thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc đối với trường hợp làm việc theo ca liên tục ít nhất 30 phút, riêng trường hợp làm việc ban đêm thì được tính ít nhất 45 phút.
- Người sử dụng lao động quyết định thời điểm nghỉ trong giờ làm việc, nhưng không được bố trí thời gian nghỉ này vào thời điểm bắt đầu hoặc kết thúc ca làm việc. Ngoài trường hợp làm việc theo ca liên tục, khuyến khích các bên thương lượng thời gian nghỉ giữa giờ tính vào giờ làm việc.
- Nghị định số 145/2020/NĐ-CP cũng quy định cụ thể về thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động. Theo đó, thời gian học nghề, tập nghề nếu sau khi hết thời gian học nghề, tập nghề mà người lao động làm việc cho người sử dụng lao động; Thời gian thử việc nếu người lao động tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động sau khi hết thời gian thử việc; Thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương; Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng trong một năm được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động.
- Thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động còn bao gồm: Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng cộng dồn không quá 6 tháng; Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 02 tháng trong một năm; Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; Thời gian thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà được tính là thời gian làm việc theo quy định của pháp luật; Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động; Thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc nhưng sau đó được kết luận là không vi phạm hoặc không bị xử lý kỷ luật lao động.
Phòng Nghiệp vụ 1-Sở Tư pháp