Cần tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn lao động

Tai nạn lao động (TNLĐ) là một trong những vấn nạn nhức nhối trong tất cả các lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.... Tuy các ngành chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, xử lý nhưng vẫn còn tình trạng thiếu an toàn lao động (ATLĐ). Để hạn chế tối đa TNLĐ, hơn ai hết người sử dụng lao động và người lao động cần tuân thủ nghiêm các quy định về ATLĐ.

Cần đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng công trình. Trong ảnh: Công nhân thi công công trình nhà ở riêng  lẻ trên địa bàn phường Thới An Đông, quận Bình Thủy. Ảnh: CTV

Ngày 19-11-2022, các công nhân đang thi công tại vị trí khối dầm K1 trụ T15 công trình cầu Mỹ Thuận 2 (phía bờ tỉnh Tiền Giang), thì một ống nối thép dài khoảng 15cm rơi từ vị trí thi công thân trụ tháp xuống, va vào đà giáo và trúng người anh C.V.V đang làm việc tại đây, gây chấn thương. Anh C.V.V được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long nhưng do vết thương quá nặng nên không qua khỏi. Ngay sau đó, bộ phận tư vấn giám sát của công trình chỉ đạo nhà thầu thi công kiểm tra các hạng mục đang thi công để tăng cường và đảm bảo an toàn; đồng thời, tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết sự việc. Trước đó, vào tháng 9-2022, trong lúc nhóm công nhân đang thi công trụ tháp chính cầu Mỹ Thuận 2 (phía bờ Vĩnh Long) thì bất ngờ sàn tạm bị sập, rơi xuống đế trụ tháp. Vụ việc khiến 3 công nhân rơi xuống sông Tiền, 2 người được cứu và 1 người mất tích do bị nước cuốn. Thi thể nạn nhân sau đó được tìm thấy cách vị trí xảy ra tai nạn khoảng 6km. TNLĐ nêu trên là một trong nhiều vụ TNLĐ đã xảy ra, là hồi chuông cảnh báo khi vấn đề ATLĐ chưa được quan tâm và thực hiện đúng quy định.

Theo Nghị định 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, các vi phạm quy định về an toàn trong thi công xây dựng công trình sẽ bị xử phạt rất nặng. Phạt 10-20 triệu đồng đối với hành vi không có sổ nhật ký ATLĐ hoặc sổ nhật ký không ghi chép đầy đủ theo quy định. Phạt 30-50 triệu đồng đối với một trong các hành vi: để người lao động không tuân thủ biện pháp kỹ thuật an toàn hoặc vi phạm các quy định về sử dụng dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân tham gia lao động trong thi công xây dựng công trình; không lập kế hoạch tổng hợp về ATLĐ theo quy định, không lập các biện pháp đảm bảo an toàn chi tiết đối với những công việc có nguy cơ mất ATLĐ cao; sử dụng thiết bị thi công không có giấy tờ lưu hành, vận hành theo quy định, không kiểm định hoặc đã hết thời gian kiểm định, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các nội dung ghi trong giấy tờ lưu hành, vận hành, kiểm định; không có biển cảnh báo đề phòng tai nạn hoặc không bố trí người hướng dẫn tại những vị trí nguy hiểm trên công trường; không bố trí hoặc bố trí người thực hiện công tác quản lý ATLĐ không được đào tạo về chuyên ngành ATLĐ hoặc chuyên ngành kỹ thuật xây dựng và đáp ứng quy định khác của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; không hướng dẫn người lao động nhận diện các yếu tố nguy hiểm có thể xảy ra tai nạn và các biện pháp ngăn ngừa tai nạn trên công trường; không lập, trình chủ đầu tư chấp thuận biện pháp đảm bảo an toàn cho con người, công trình xây dựng, tài sản, thiết bị, phương tiện trong vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng công trình; không có quy định cụ thể biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường trong biện pháp thi công.

Bên cạnh đó, đối với những vi phạm quy định về phương án, giải pháp phá dỡ công trình xây dựng; không mua bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường và bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba theo quy định, ngoài mức phạt nêu trên, các hành vi vi phạm sẽ phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả (đối với công trình đang thi công xây dựng) theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 50-70 triệu đồng. Nếu vi phạm ở mức nghiêm trọng hơn có thể bị xử lý hình sự. Điều 295, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: người nào vi phạm quy định về ATLĐ, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm: làm chết 1 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31%-60%; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61%-121%; gây thiệt hại về tài sản từ 100 đến dưới 500 triệu đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3-7 năm: làm chết 2 người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 61% trở lên... Ngoài ra, người vi phạm quy định về ATLĐ, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31%-60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31%-60%, thì bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội có khả năng thực tế gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Nguồn: Báo Cần Thơ