ành vi làm, tàng trữ, vận chuyển lưu hành tiền giả là hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế, đến việc sản xuất, lưu hành và quản lý tiền tệ của Nhà nước. Pháp luật hiện hành có những chế tài rất nghiêm khắc đối với những hành vi này.
Các bị cáo trong vụ án làm, tàng trữ, vận chuyển lưu hành tiền giả, tại phiên tòa.
Tháng 8-2022, Tòa án Nhân dân TP Cần Thơ đưa ra xét xử vụ án làm, tàng trữ, vận chuyển lưu hành tiền giả đối với Nguyễn Văn Út (sinh năm 1988, ngụ quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) và đồng bọn.
Theo cáo trạng, khoảng đầu tháng 2-2021, Út nảy sinh ý định làm tiền giả để lưu hành. Út chuẩn bị máy in màu, cùng với đồng bọn làm tiền giả mệnh giá 5.000 đồng tại ngôi nhà ở khu vực 4, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy. Tiền giả làm ra, Út cùng đồng bọn đem đi lưu hành nhiều nơi. Sau đó, Út và đồng bọn tiếp tục mua máy in, máy ép nhựa, laptop đem về nhà thuê ở khu vực 1, phường Trà Nóc, quận Bình Thủy tiếp tục làm tiền giả có mệnh giá 500.000 đồng. Tiền giả loại mệnh giá 500.000 đồng làm ra, một số cất giữ ở nhà, số còn lại Vinh và đồng bọn đem đi lưu hành nhiều nơi, chủ yếu mua card điện thoại, vé số, trái cây…
Sau đó, cả nhóm lần lượt bị bắt. Cơ quan điều tra xác định, Út và đồng bọn đã làm tổng cộng 136 triệu đồng tiền giả rồi đem đi tiêu thụ. Với các hành vi trên, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân TP Cần Thơ tuyên phạt Út 13 năm tù, đồng bọn của Út cũng lãnh mức án từ 1 năm tù cho hưởng án treo đến 12 năm 6 tháng tù về tội làm, tàng trữ, lưu hành tiền giả.
Hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành, mua bán tiền giả dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều là hành vi vi phạm pháp luật. Pháp luật hiện hành quy định đầy đủ và có chế tài nghiêm khắc về hành vi mua bán tiền giả. Theo Điều 23, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010, các hành vi làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả; hủy hoại đồng tiền trái pháp luật; từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do Ngân hàng Nhà nước phát hành đều bị nghiêm cấm. Ngoài ra, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả tại Điều 207 như sau: người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt tù từ 3-7 năm. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt tù từ 5-12 năm. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10-20 năm hoặc tù chung thân. Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 10 triệu-100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Bộ luật Hình sự hiện hành còn quy định tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác, thì bị phạt tù 2-7 năm. Phạm tội trong trường hợp công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác có trị giá tương ứng từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, thì bị phạt tù 5-10 năm. Phạm tội trong trường hợp công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác có trị giá tương ứng từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, thì bị phạt tù 10-15 năm. Phạm tội trong trường hợp công cụ chuyển nhượng giả hoặc các giấy tờ có giá giả khác có trị giá tương ứng từ 300 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù 15-20 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.