Chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt trong phòng, chống dịch COVID-19

Hiện nay, trong thực hiện phòng, chống dịch COVID-19, Việt Nam đã chuyển chiến lược từ dập tắt dứt điểm dịch bệnh sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Tuy nhiên, để kiểm soát hiệu quả, cần có chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 như: bao phủ vaccine; kiểm soát dịch COVID-19 trong giai đoạn bình thường mới; quản lý, chăm sóc F0 tại nhà... Từng bước thiết lập trạng thái thích ứng an toàn và linh hoạt, trong đó, đặt mục tiêu sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết.

Mở rộng bao phủ vaccine

 

Cán bộ UBND phường Thới Bình, quận Ninh Kiều tuyên truyền các quy định phòng, chống dịch COVID-19 trên các tuyến hẻm của phường.

Cán bộ UBND phường Thới Bình, quận Ninh Kiều tuyên truyền các quy định phòng, chống dịch COVID-19 trên các tuyến hẻm của phường.

Theo chiến lược y tế phòng, chống dịch COVID-19 trong giai đoạn bình thường mới trên địa bàn thành phố vừa được ban hành, UBND thành phố yêu cầu UBND xã, phường, thị trấn chỉ đạo tổ COVID cộng đồng phối hợp công an địa phương, các đoàn thể rà soát từng hộ gia đình, đặc biệt hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao (trên 65 tuổi, có bệnh nền, không có khả năng di chuyển...) chưa tiêm vaccine để chuyển danh sách đến trạm y tế, trung tâm y tế tổ chức tiêm vét vaccine. Tăng cường tuyên truyền, vận động các đối tượng không đồng ý tham gia tiêm vaccine vì nhiều lý do khác nhau (nhưng không thuộc diện chống chỉ định); tổ chức các điểm tiêm tại các bệnh viện, đội tiêm lưu động phục vụ tiêm tại nhà cho những người cao tuổi, người mắc bệnh lý hoặc đi lại khó khăn.

Thành phố tiếp tục cập nhật, quản lý dữ liệu tiêm vaccine trên hồ sơ sức khỏe điện tử, thực hiện “hộ chiếu vaccine” theo hướng dẫn của Bộ Y tế phục vụ người dân trong việc tham gia các hoạt động xã hội, di chuyển, kinh doanh, du lịch... Ngoài ra, thành phố tiếp tục rà soát đối tượng và lập kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi, triển khai sớm khi được Bộ Y tế cho phép và cung ứng vaccine; điều tra, rà soát đối tượng trên địa bàn, đảm bảo các đối tượng có nguy cơ (trên 50 tuổi, bệnh nền...) có mặt trên địa bàn vào thời gian tổ chức tiêm chủng được tiếp cận sớm liều vaccine bổ sung, tăng cường.

Huy động mọi nguồn lực chăm sóc F0

Với phương châm 4 tại chỗ gồm “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ, hậu cần tại chỗ” trong quản lý và chăm sóc F0, thành phố yêu cầu huy động lực lượng y tế địa phương, y tế tư nhân, y tế học đường, y tế cơ quan... tham gia công tác điều trị bệnh nhân COVID-19. Bên cạnh đó, UBND xã, phường, thị trấn là trung tâm điều phối và phối hợp hoạt động chăm sóc F0 với các trạm y tế lưu động, tổ COVID cộng đồng, tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng và các tổ chức, cá nhân tình nguyện, phân công công việc phù hợp cho lực lượng y tế và lực lượng tình nguyện để chia sẻ gánh nặng cho nhân viên y tế.

Đối với chiến lược điều trị F0 tại bệnh viện, UBND thành phố yêu cầu tất cả các cơ sở điều trị luôn sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân COVID-19. Trong đó, tiếp tục đổi mới cấu trúc và quy trình hoạt động của bệnh viện đảm bảo thích ứng với trạng thái bình thường mới. Các bệnh viện đảm bảo thực hiện 2 chức năng vừa sẵn sàng thu dung, điều trị người mắc COVID-19, vừa đảm bảo chức năng khám bệnh, chữa bệnh thông thường; củng cố các khoa truyền nhiễm tại bệnh viện công lập và ngoài công lập tuyến thành phố và quận, huyện để thu dung, điều trị F0, củng cố các khu cách ly thành đơn vị điều trị COVID-19 để sẵn sàng thu dung điều trị.

Bên cạnh đó, ngành y tế cần bảo đảm điều kiện bắt buộc về thuốc, hóa chất, sinh phẩm, oxy y tế, trang thiết bị và vật tư tiêu hao để hỗ trợ thu dung, điều trị, cấp cứu và chăm sóc người bệnh. Mỗi quận, huyện cần xây dựng kịch bản và phương án hậu cần cho từng kịch bản theo từng cấp độ dịch của toàn thành phố và từng quận, huyện; đảm bảo sẵn sàng trang thiết bị, thuốc điều trị cho người bệnh F0 theo hướng dẫn của Bộ Y tế cùng với các gói an sinh xã hội dành cho người bệnh F0 cách ly điều trị tại nhà.

Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi

Tăng cường công tác phòng, chống dịch là điều không thể thiếu và tiên quyết đối với nhận thức của người dân, cộng đồng. Trong đó, thông điệp truyền thông phù hợp cho từng nhóm đối tượng được thực hiện có hiệu quả, như: truyền thông nâng cao nhận thức mỗi người dân trong công tác tự bảo vệ sức khỏe; truyền thông dành riêng cho đối tượng thuộc nhóm nguy cơ; truyền thông dành riêng các nhóm đối tượng đặc thù nghề nghiệp (giáo viên, học sinh, công nhân...); truyền thông cho người F0 tuân thủ điều trị, người có triệu chứng nghi nhiễm tuân thủ các nguyên tắc phòng, chống dịch, hạn chế lây lan.

Các ngành chức năng cần tăng cường vận động mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng tham gia công tác truyền thông phòng, chống dịch COVID-19; huy động các tổ chức, cá nhân tình nguyện, thiện nguyện tham gia công tác truyền thông phòng, chống dịch COVID-19. Ngoài ra, các đơn vị liên quan cần tăng cường phương thức đa dạng hóa các loại hình truyền thông theo hướng trực quan sinh động, truyền tải qua các nền tảng phù hợp, đúng quy định, đảm bảo tiếp cận được số đông người dân và các đối tượng có nguy cơ cao.