Công tác phổ biến giáo dục pháp luật ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực

Trải qua 77 năm hoạt động và trưởng thành, các lĩnh vực của ngành Tư pháp ngày càng mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Theo đó, ngành Tư pháp TP Cần Thơ không ngừng nỗ lực, hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Trong đó, nhiệm vụ phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) được ngành thực hiện với nhiều cách làm mới, phong phú, đa dạng, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống, nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của người dân.

Trong những năm qua, Hội đồng phối hợp PBGDPL thành phố triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền pháp luật; huy động lực lượng của các đoàn thể chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng, tham gia các đợt vận động thiết lập trật tự kỷ cương đô thị, các hoạt động xây dựng nếp sống văn minh và làm việc theo pháp luật trong xã hội. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được tổ chức dưới nhiều hình thức phong phú, sinh động, như: tiểu phẩm pháp luật, xây dựng các video clip, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng...

 

Lãnh đạo Sở Tư pháp trao giấy khen cho cá nhân đạt giải thưởng cuộc thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống dịch COVID-19.

Năm 2021, mặc dù dịch COVID-19 bùng phát nhưng ngành Tư pháp thành phố đã khai thác nhiều loại hình tuyên truyền, PBGDPL. Từ đó, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể về vị trí, vai trò của công tác PBGDPL đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng sâu sắc, toàn diện và đầy đủ hơn. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức và người dân xác định rõ PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nên tham gia đóng góp tích cực, cụ thể vào công tác này. Bà Ngô Hồng Hạnh, tiểu thương ở phường Tân An, quận Ninh Kiều, kể: “Nhờ các ngành chức năng tuyên truyền nhiều vấn đề: buôn bán không lấn chiếm lòng, lề đường; chạy xe không vi phạm luật giao thông; vứt rác phải đúng nơi quy định... chúng tôi ý thức được việc chấp hành pháp luật. Pháp luật không còn là những câu chuyện xa lạ, lớn lao mà nó gắn liền thực tế cuộc sống, vi phạm sẽ bị xử phạt”.

Bà Trần Thị Tám, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TP Cần Thơ, chia sẻ: “Công tác PBGDPL của ngành Tư pháp có hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những trăn trở về các vấn đề trẻ vị thành niên phạm tội, tranh chấp liên quan đến đất đai, dẫn đến nhiều hệ lụy cho xã hội. Vì vậy, công tác tuyên truyền cần chú trọng về đối tượng cụ thể, đi sâu vào chất lượng, để người dân không chỉ hiểu mà phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật”. Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Cần Thơ, cho biết: “Ngành Giáo dục thường xuyên tuyên truyền các quy định pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành. Các trường học đều có những buổi sinh hoạt, tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma túy; bạo lực học đường; an toàn giao thông... giúp học sinh nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật”.

Theo ông Ðoàn Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ, để công tác PBGDPL thực sự hiệu quả, Sở phối hợp với Liên hiệp các Hội văn học - nghệ thuật thành phố xây dựng các thể loại sáng tác (tiểu phẩm, tác phẩm văn học, nghệ thuật) để lồng ghép các nội dung tuyên truyền PBGDPL nhằm thu hút công chúng chú ý, dễ nhớ, dễ hiểu. Dự kiến 8 tác phẩm sẽ được bình chọn, biên tập, phát sóng và sân khấu hóa trong thời gian tới. Sở cũng phối hợp nhà mạng Viễn thông Quân đội Viettel thiết lập hệ thống tin nhắn SMS để tuyên truyền PBGDPL theo từng chủ đề sự kiện một cách nhanh chóng, kịp thời. Hướng dẫn tư pháp quận, huyện thành lập các nhóm Zalo, trong đó có đại diện của trưởng ấp/khu vực, tổ hòa giải... và đại diện từng hộ gia đình tham gia để thuận tiện trong việc truyền tải thông tin tuyên truyền PBGDPL.

Tại hội nghị sơ kết hoạt động phối hợp PBGDPL 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL yêu cầu các ngành, địa phương tổ chức triển khai đầy đủ và kịp thời các văn bản pháp luật mới được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, HÐND, UBND thành phố ban hành, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn. Trong đó, tập trung tuyên truyền các quy định pháp luật gắn với đời sống, sinh hoạt của người dân; đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin; phát huy và tận dụng tối đa tất cả các phương tiện hiện có, như: trang thông tin điện tử phổ biến giáo dục pháp luật thành phố, mạng xã hội, hệ thống truyền thanh, truyền hình, mạng viễn thông, báo chí, sân khấu hóa, các thể loại sáng tác (tiểu phẩm, tác phẩm văn học, nghệ thuật)… góp phần để công tác này ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân.