Hành vi đưa người khác nhập cảnh trái phép vào Việt Nam hoặc giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác vào Việt Nam, ở lại Việt Nam trái phép là hành vi xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc gia. Tùy vào mức độ, hậu quả xảy ra, người có hành vi vi phạm có thể phải chịu xử phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự.
Người dân làm thủ tục tại Phòng quản lý Xuất nhập cảnh Công an TP Cần Thơ. Ảnh: Quốc Thái
Ngày 16-8-2021, TAND tỉnh An Giang đã tuyên phạt bị cáo T.V.H (ngụ phường Vĩnh Ngươn, TP Châu Ðốc, An Giang) 18 tháng tù về tội tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép. Khoảng đầu tháng 11-2020, T.V.H được một người tên N sống tại Campuchia điện thoại rủ tham gia tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam và H đồng ý. Khoảng 22 giờ ngày 4-12-2020, sau khi điện thoại cho T.V.H đón 2 người phụ nữ, N điều khiển vỏ lãi chở N.T.K.L và L.T.H.D từ Campuchia đến gần chòi vịt của H, thuộc phường Vĩnh Ngươn và đưa cho H 400.000 đồng. Sau đó, H điện thoại kêu P.V.M đến chở L và D nhưng không cho M biết khách nhập cảnh trái phép. Ðến khoảng 23 giờ 50 phút, M kêu một thanh niên khác (không rõ họ, tên, địa chỉ) đến cùng chở L và D đến bến xe khách thuộc phường Châu Phú A thì bị tổ công tác phòng, chống dịch COVID-19 TP Châu Ðốc phát hiện. Sau đó, H bị khởi tố, bắt tạm giam. Trong quá trình điều tra, H còn thừa nhận trước đó đã 2 lần tổ chức đưa 3 người nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam.
Nghị định 144/2021/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, quy định người qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục nhập cảnh theo quy định của pháp luật thì bị phạt tiền 3-5 triệu đồng. Người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền thì bị phạt tiền 10-15 triệu đồng. Ðồng thời, có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm nêu trên. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi nhập cảnh vào Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền.
Không chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính, tùy tính chất mức độ, người vi phạm có thể xử bị xử lý hình sự. Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, quy định người nào nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền 5-50 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm (Ðiều 347, Bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép). Bên cạnh đó, theo Ðiều 348, Bộ luật Hình sự về tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép quy định, người tổ chức hoặc môi giới cho người khác nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép thì bị phạt tù 1-5 năm. Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: lợi dụng chức vụ, quyền hạn, phạm tội 2 lần trở lên, đối với từ 5-10 người, có tính chất chuyên nghiệp, thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, tái phạm nguy hiểm thì người tổ chức hoặc môi giới cho người khác nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép bị phạt tù từ 5-10 năm. Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp như tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép đối với 11 người trở lên, thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên, làm chết người thì bị phạt tù 7-15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.