Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp (28/8/1945-28/8/2023)

Đưa pháp luật vào thực tiễn đời sống 

Công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành tư pháp. Ngành Tư pháp TP Cần Thơ đã có nhiều nỗ lực, đổi mới cách thức, áp dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Hội thi “Hòa giải viên giỏi”, một hình thức sân khấu hóa trong tuyên truyền pháp luật.

Theo Sở Tư pháp TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, toàn ngành nỗ lực vượt khó, quyết tâm đổi mới, triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và hoàn thành kịp thời, có chất lượng tất cả các nhiệm vụ được giao; trong đó, có chỉ tiêu vượt xa kế hoạch đề ra, góp phần quan trọng vào công cuộc cải cách hành chính, cải cách tư pháp và hoàn thiện pháp luật của thành phố. Công tác PBGDPL tiếp tục có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức, nhiều cách làm hay, sáng tạo được áp dụng gắn với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần đưa pháp luật đi sâu, đi nhanh hơn vào thực tiễn đời sống.

Đối với công tác hòa giải ở cơ sở, toàn ngành đã và đang tập trung triển khai tốt các hoạt động tổ chức hội thi “Hòa giải viên giỏi” các cấp, tạo điều kiện giao lưu học hỏi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức pháp luật cho các hòa giải viên, góp phần nâng chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở. Ông Trần Quốc Việt, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Đông Thành, xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, chia sẻ: “Thông qua các cuộc hòa giải, cán bộ hòa giải lồng ghép tuyên truyền những quy định pháp luật liên quan, chia sẻ các quy định mới, những điều luật gắn với cuộc sống người dân như tranh chấp đất đai, bạo lực gia đình, an toàn giao thông... để người dân nhận thức đúng, sống và làm việc theo pháp luật”. 

Nhằm giúp người dân dễ dàng tiếp cận các quy định pháp luật, Sở Tư pháp xây dựng 713 câu hỏi tình huống và giải đáp pháp luật về Luật Tố tụng hành chính năm 2015; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019; Bộ luật Lao động năm 2019; đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ban hành văn bản hành chính của UBND cấp xã; công khai thông tin, cung cấp thông tin theo yêu cầu của UBND cấp xã; các quy định về PBGDPL; trợ giúp pháp lý; thực hiện dân chủ ở cơ sở; tổ chức tiếp công dân của chính quyền cấp xã, trách nhiệm giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của UBND cấp xã; tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của UBND cấp xã; xử lý kỷ luật cán bộ, công chức cấp xã; quy định khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”...

Ông Nguyễn Công Duy ngụ phường Hưng Phú, quận Cái Răng, nói: “Hiện nay, có nhiều kênh để chúng tôi tìm hiểu các quy định pháp luật, như: Zalo, Facebook, website, các ứng dụng của thành phố... Nhờ đó, chúng tôi nắm rõ hơn các quy định của pháp luật, có thể giải quyết những vướng mắc gặp phải trong đời sống”. Ông Lê Văn Bảy ngụ phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, chia sẻ: “Bên cạnh các ứng dụng trên điện thoại thông minh, những quy định pháp luật mới được hệ thống truyền thanh quận phát với tần suất cao, nên người dân có thể nghe, nắm bắt. Các quy định, chính sách của địa phương; thông tin quy hoạch, việc thực hiện các dự án, các đối tượng được bồi thường hỗ trợ khi chính quyền thực hiện dự án... là những nội dung rất có ích, người dân luôn quan tâm”.

Theo ông Lâm Thành Sơn, Trưởng Phòng Tư pháp quận Cái Răng, từ đầu năm đến nay, quận đã tuyên truyền 490 cuộc với 10.790 lượt cán bộ, công chức và nhân dân tham dự, thông qua công tác triển khai nội bộ, tuyên truyền miệng ra dân, sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật. Bên cạnh đó, quận tiếp tục phối hợp các thành viên Hội đồng Phối hợp PBGDPL quận biên soạn nội dung sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật truyền tải đến các phường và 59/59 câu lạc bộ pháp luật khu vực... 

Ông Lê Việt Sĩ, Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết, Sở sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức triển khai đầy đủ và kịp thời những văn bản pháp luật mới được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, HĐND, UBND thành phố ban hành, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn; trong đó, tập trung vào các quy định pháp luật gắn với đời sống, sinh hoạt của người dân. Ngành cũng sẽ tập trung nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở; đẩy mạnh tuyên truyền thông qua ứng dụng công nghệ thông tin; cổng thông tin điện tử; mạng xã hội, hệ thống truyền thanh, truyền hình, mạng viễn thông, báo chí, sân khấu hóa… để đưa pháp luật đến gần người dân.

Nguồn: Báo Cần Thơ