Lên án mạnh mẽ hành vi bạo lực gia đình

Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với các thành viên trong gia đình. Hiện nay, bạo lực gia đình là vấn đề nóng thu hút sự quan tâm của xã hội, bởi tình trạng bạo lực không chỉ làm tan vỡ hạnh phúc mà còn gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng, tinh thần của người bị bạo hành.

 

Hội LHPN phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, tuyên truyền các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới và chương trình công tác Hội năm 2022 trong hội viên. Ảnh: K. XUÂN

Ngày 16-5-2022, Viện Kiểm sát Nhân dân TP Cần Thơ đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với T.P.L (ngụ phường Phú Thứ, quận Cái Răng) về hành vi giết người. Theo kết quả điều tra ban đầu, L và chị N.T.N.B kết hôn, có 1 con chung 10 tuổi. Chị B kinh doanh dịch vụ làm đẹp ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng. Còn L không có nghề nghiệp ổn định. Nghi ngờ vợ có người đàn ông khác nên L thường xuyên ghen tuông, giữa hai vợ chồng luôn xảy ra mâu thuẫn. Chị B đề nghị ly hôn nhưng L không đồng ý. Ðầu tháng 5-2022, chị B đi làm về thì xảy ra cự cãi với chồng. L lấy dao đâm B nhiều nhát, rồi bế lên giường, lấy chăn đắp lại. Sau đó, L lấy hai chai thuốc trừ sâu để uống, rồi điện thoại cho người thân của B nói đã giết B. Mọi người đến nơi thì thấy chị B đã tử vong trong phòng ngủ nên trình báo công an. L uống thuốc trừ sâu để tự tử nhưng không chết và được người nhà đưa đi cấp cứu. Bước đầu, L khai nhận do ghen tuông nên dùng dao đâm vợ tử vong, sau đó uống thuốc sâu để tự tử. Vụ án đang được tiếp tục điều tra làm rõ.

Tháng 8-2022, Tòa án Nhân dân quận Ninh Kiều mở phiên tòa xét xử vụ án ly hôn giữ chị N.T.Y.N và anh N.T.T. Nguyên nhân dẫn đến ly hôn là do anh T mỗi khi không vui, công việc gặp khó khăn là chửi mắng, đánh đập vợ con vô cớ. Chị N đã nhiều lần khuyên ngăn chồng nhưng anh T vẫn không thay đổi. Mỗi lần anh T say rượu là chị N phải chịu những trận đòn của anh T. Dù thương tích không nghiêm trọng nhưng chị N cảm thấy mình không được tôn trọng, luôn trong tình trạng bị bạo hành cả thể xác lẫn tinh thần nên chị quyết định ly hôn.

Các hành vi bạo lực gia đình không chỉ là ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng mà còn bao gồm cả những hành vi lăng mạ hoặc cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng; ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau; cưỡng ép quan hệ tình dục; cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; chiếm đoạt, hủy hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình; cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính; có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.

Ðiều 42, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có hành vi bạo lực gia đình, nếu bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định này thì bị thông báo cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý người đó để giáo dục...

Pháp luật cũng quy định nạn nhân bạo lực gia đình có các quyền: yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình; yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật; được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này và các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Nạn nhân bạo lực gia đình có nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu. Ngoài ra, người thường xuyên có hành vi bạo lực gia đình đã được góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư mà trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày áp dụng biện pháp này vẫn có hành vi bạo lực gia đình nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Người có hành vi bạo lực gia đình đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà tiếp tục thực hiện hành vi bạo lực gia đình nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; đối với người dưới 18 tuổi thì có thể bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.