Quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Hỏi: Vũ khí quân dụng là gì và được quy định như thế nào?

Ðáp: Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ hiện hành quy định về vũ khí quân dụng như sau: vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ, bao gồm: súng cầm tay: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu; vũ khí hạng nhẹ: súng đại liên, súng cối, súng ÐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân; vũ khí hạng nặng: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa; bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại vũ khí theo quy định; vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí, không được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định để thi hành công vụ.

Hỏi: Người cố tình che giấu hành vi tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng có vi phạm pháp luật không?

Ðáp: Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người nào không hứa hẹn trước, nhưng sau khi biết tội phạm được thực hiện, đã che giấu người phạm tội, dấu vết, tang vật của tội phạm hoặc có hành vi khác cản trở việc phát hiện, điều tra, xử lý người phạm tội, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm trong những trường hợp mà Bộ luật Hình sự quy định. Người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Ðiều 389 của Bộ luật Hình sự. Như vậy, người che giấu hành vi tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Hỏi: Khi có được vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ do phát hiện hoặc nhặt được hoặc thì phải làm gì?

Ðáp: Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định về nguyên tắc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, như sau: cơ quan, tổ chức, cá nhân phải trình báo, khai báo, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan quân sự, cơ quan công an hoặc UBND nơi gần nhất trong trường hợp không thuộc đối tượng trang bị, sử dụng theo quy định của pháp luật mà có từ bất kỳ nguồn nào hoặc phát hiện, thu nhặt được. Cá nhân, cơ quan, tổ chức không thuộc đối tượng được trang bị, quản lý, sử dụng mà cố tình không khai báo, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ vi phạm.