Quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn TP Cần Thơ

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả về phòng cháy và chữa cháy (PCCC), ngày 8-12-2021, HÐND TP Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 75/NQ-HÐND quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC trên địa bàn thành phố được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực pháp luật. Theo đó, Nghị quyết đề ra các quy định cụ thể về đường giao thông phục vụ chữa cháy, khoảng cách an toàn PCCC, giải pháp ngăn chặn cháy lan...

Nghị quyết quy định cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực (ngày 1-7-2014) thì phải khắc phục đối với từng nội dung không bảo đảm yêu cầu về PCCC.

 

Cảnh sát PCCC Công an TP Cần Thơ hướng dẫn người dân các quy định về PCCC.

Về đường giao thông phục vụ chữa cháy

Cơ sở phải có đường giao thông phục vụ chữa cháy bảo đảm yêu cầu tối thiểu về chiều rộng, chiều cao thông thủy, tải trọng, kích thước bãi đỗ cho xe chữa cháy tiếp cận, hoạt động phù hợp với từng loại hình cơ sở theo quy định QCVN 06:2021/BXD.

Trường hợp cơ sở không bố trí được đường giao thông phục vụ chữa cháy theo quy định này thì phải áp dụng các giải pháp bổ sung, tăng cường về PCCC, như: xem xét đến khả năng tiếp cận thông qua đường giao thông nội bộ của công trình liền kề theo hướng tiếp giáp với công trình, nếu bảo đảm đường, bãi đỗ cho xe chữa cháy thì phải xây dựng quy chế phối hợp chung giữa các cơ sở để bảo đảm được tính sẵn sàng của đường và bãi đỗ tương đương với điều kiện nằm trên cùng một chủ cơ sở và xem xét, cập nhật vào quy hoạch PCCC. Ðối với các công trình liền kề với công trình khác, xem xét việc tiếp cận từ trên mái của các công trình liền kề nhau; trang bị máy bơm khiêng tay kèm theo bổ sung nguồn nước chữa cháy ngoài nhà như trụ nước chữa cháy của thành phố hoặc bến, bãi, ao hồ khu vực gần với công trình. Trường hợp có đường nội bộ kích thước nhỏ hơn 3,5m lực lượng chữa cháy tiếp cận được dọc theo đường bộ này, phải mở thêm các cửa tiếp cận từ ngoài vào trong (cửa này phải bảo đảm chiều rộng, chiều cao thoát nạn theo quy định), tại các vị trí cửa này phía ngoài nhà phải bố trí họng nước chữa cháy ngoài nhà của công trình được kết nối trực tiếp đến đường ống cấp nước có bố trí họng tiếp nước tại vị trí xe chữa cháy tiếp cận được...

Về khoảng cách an toàn PCCC

Trường hợp cơ sở không bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC theo quy định quy định tại QCVN 06:2021/BXD thì phải áp dụng các giải pháp bổ sung, tăng cường về PCCC như: trang bị bổ sung màn nước ngăn cháy trên các ô thoáng, lỗ hở và tại vị trí sử dụng các vật liệu không bảo đảm giới hạn chịu lửa; tăng giới hạn chịu lửa cho các vật liệu nằm trên tường ngoài của công trình theo hướng tiếp giáp với công trình xung quanh bằng sơn chống cháy, vật liệu, hóa chất chống cháy; xây bổ sung tường, vách ngăn cháy ở mặt tiếp giáp với các công trình xung quanh; bổ sung giải pháp phân vùng ngăn cháy, bố trí chất cháy cách xa tường ngoài phía tiếp giáp với công trình xung quanh; giảm tải trọng chất cháy bố trí trong công trình; tăng giới hạn chịu lửa các cấu kiện xây dựng chính để tăng bậc chịu lửa của công trình để giảm khoảng cách an toàn PCCC. Cơ sở trước khi tiến hành xây dựng, khắc phục về khoảng cách an toàn PCCC hoặc áp dụng các giải pháp bổ sung, tăng cường về PCCC phải có thiết kế kỹ thuật được thẩm duyệt thiết kế về PCCC. Ðối với cơ sở không có khả năng thực hiện các biện pháp khắc phục nêu trên buộc phải thay đổi công năng, tính chất sử dụng công trình bảo đảm quy định về PCCC.

Về giải pháp ngăn chặn cháy lan

Trường hợp cơ sở không bảo đảm giải pháp ngăn chặn cháy lan theo quy định QCVN 06:2021/BXD thì phải áp dụng các giải pháp bổ sung, tăng cường về PCCC như: nâng bậc chịu lửa của công trình để bảo đảm diện tích khoang cháy theo quy định bằng cách tăng giới hạn chịu lửa của các cấu kiện xây dựng. Tại các vị trí không thể bố trí các tường, vách ngăn cháy theo quy định, xem xét thiết kế giải pháp màn nước ngăn cháy, tuy nhiên phải tính toán đến giải pháp ngăn chặn lan truyền của khói giữa các khoang cháy. Bổ sung các hệ thống, thiết bị chữa cháy như hệ thống chữa cháy tự động sprinkler (hệ thống chữa cháy tự động đầu phun kín), thiết bị chữa cháy tự động bằng bọt, khí để bảo vệ cấu kiện xây dựng trước tác động của đám cháy, tăng giới hạn chịu lửa của các cấu kiện cũng như hạn chế diện tích, cường độ và thời gian cháy; giảm số lượng chất hàng nguy hiểm cháy, nổ, sắp xếp hàng hóa tạo khoảng cách an toàn PCCC đến khu vực có nguồn nhiệt, ngọn lửa, thiết bị điện...

Xử lý kho chứa hóa chất nguy hiểm

Ðối với kho chứa hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ ở khu dân cư, nơi đông người phải có phương án di chuyển, bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC. Cơ sở phải xây dựng phương án di chuyển và thực hiện việc di chuyển theo phương án đã được phê duyệt. Cơ sở phải có phương án, lộ trình giảm trữ lượng, khối lượng tồn chứa, bảo quản hằng năm so với trữ lượng, khối lượng được cấp phép; đồng thời trang bị, bổ sung phương tiện, hệ thống PCCC và hệ thống kỹ thuật liên quan nhằm tăng cường công tác bảo đảm an toàn về PCCC trong thời gian thực hiện di chuyển.

Sau ngày 31-12-2025, cơ sở thuộc loại hình kho chứa hóa chất nguy hiểm cháy, nổ ở khu dân cư, nơi đông người không bảo đảm khoảng cách an toàn về PCCC chưa thực hiện di chuyển thì sẽ bị đình chỉ hoạt động.