Tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động báo chí

Thông tin báo chí có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống thường nhật. Thời gian qua, vì nhiều lý do, một số cơ quan báo chí đã có nhiều sai phạm trong quá trình hoạt động. Hoạt động báo chí phải đảm bảo tôn chỉ, mục đích và tuân thủ các quy định pháp luật; mọi hành vi đưa thông tin không chính xác điều sẽ bị xử lý đúng quy định. Theo những quy định mới, mức phạt các hành vi vi phạm trong hoạt động báo chí tăng nặng.

 

Nhà báo tác nghiệp phải tuân thủ các quy định pháp luật về báo chí. Trong ảnh: Các nhà báo tác nghiệp tại Hội thi Ðiều lệnh, bắn súng, võ thuật chào mừng Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát Nhân dân (20/7/1962-20/7/2022). Ảnh: Kim Xuân

 

Năm 2020, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 17/QÐ-XPVPHC, xử phạt vi phạm hành chính đối với Tạp chí T.H và C.L do thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động tạp chí điện tử, giấy phép hoạt động báo chí in và giấy phép hoạt động báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp; quy định tại điểm b, khoản 2, Ðiều 4, Luật Báo chí năm 2016 và quy định tại điểm d, khoản 3, Ðiều 5, Nghị định số 159/2013/NÐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Tạp chí T.H và C.L vi phạm hành chính nhiều lần, đây là tình tiết tăng nặng được quy định tại điểm b, khoản 1, Ðiều 10, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 48 triệu đồng.

Cũng trong năm 2020, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 16/QÐ-XPVPHC, xử phạt vi phạm hành chính đối với Tạp chí N.N và Tạp chí điện tử N.N do đã thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí điện tử. Tạp chí N.N và Tạp chí điện tử N.N cũng vi phạm hành chính nhiều lần, bị xử phạt 48 triệu đồng.

Hiện nay, Nghị định số 14/2022/NÐ-CP ngày 27-1-2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NÐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định số 119/2020/NÐ-CP ngày 7-10-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, quy định mức phạt các hành vi vi phạm trong hoạt động báo chí tăng nặng so với quy định cũ. Phạt tiền từ 60-100 triệu đồng đối với hành vi xuất bản thêm ấn phẩm báo chí, phụ trương, mở chuyên trang đối với báo điện tử, tạp chí điện tử; sản xuất thêm kênh phát thanh, kênh truyền hình mà không có giấy phép (mức phạt cũ là 30-50 triệu đồng); phạt tiền 300-400 triệu đồng đối với hành vi hoạt động báo in, tạp chí in, báo nói, báo hình, báo điện tử, tạp chí điện tử không có giấy phép hoạt động báo chí theo quy định (mức phạt trước đây là 140-200 triệu đồng)...

Bên cạnh đó, tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm quy định về hoạt động báo chí, sử dụng thẻ nhà báo: phạt tiền từ 10-30 triệu đồng đối với một trong các hành vi: mạo danh nhà báo, phóng viên; lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp, cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân; sử dụng thẻ nhà báo đã bị sửa chữa, tẩy xóa để hoạt động báo chí (trước đây quy định mức phạt cho các hành vi này là 10-20 triệu đồng). Phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên để trục lợi (trước đây, mức phạt cho các hành vi này là 20-40 triệu đồng).

Nghị định số 14/2022/NÐ-CP quy định đối với hành vi đăng, phát tin, bài, ảnh không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; đăng, phát thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan; thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia khi đăng, phát hình ảnh bản đồ Việt Nam; đăng, phát thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em; đăng, phát thông tin tiết lộ họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo trừ trường hợp người tố cáo có yêu cầu khác... sẽ bị phạt tiền 20-40 triệu đồng (quy định trước đây là phạt từ 10-30 triệu đồng). Phạt tiền từ 300-400 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: đăng, phát thông tin không phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; đăng, phát thông tin xuyên tạc, bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; đăng, phát thông tin có nội dung gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; xúc phạm niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đăng, phát thông tin có nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự... (những hành vi này trước đây bị phạt từ 150-200 triệu đồng); phạt tiền từ 300-500 triệu đồng đối với hành vi cung cấp chương trình, kênh chương trình trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền có nội dung gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (quy định trước đây là 150-200 triệu đồng).