Tranh chấp quyền nuôi con - Hãy nghĩ cho con trẻ

Sau thời gian tìm hiểu, năm 2013, ông P.T.P và bà N.M.Đ, ở quận Ninh Kiều, tiến tới hôn nhân và ra phường đăng ký kết hôn. Ông P làm việc tại một doanh nghiệp, còn bà Đ ở nhà nội trợ, nhận sửa quần áo. 3 năm sau, bà Đ sanh cặp song sinh 1 trai và 1 gái. Khi 2 bé bắt đầu đi nhà trẻ, bà Đ không còn quan tâm đến gia đình, bỏ bê con cái. Ông P tìm hiểu thì biết bà Đ tham gia một đạo giáo chưa được nhà nước công nhận. Ông P hết lời khuyên nhủ nhưng bà Đ không nghe. Từ đó, mâu thuẫn gia đình càng thêm trầm trọng.

Giữa năm 2020, bà Đ bỏ nhà đi theo nhóm người theo đạo, để 2 con cho ông P và cha mẹ ông chăm sóc. Bà Đ chỉ về nhà vào thứ 3 hằng tuần để thăm con. Ông P tìm mọi cách nhờ gia đình hai bên khuyên nhủ, chính quyền địa phương hòa giải cũng như tìm đến những người theo nhóm đạo của bà Đ để xin nói giúp, mong bà Đ quay lại với gia đình nhưng không kết quả. Quá mệt mỏi, ông P nộp đơn xin ly hôn. Ông muốn được trực tiếp nuôi dưỡng, giáo dục 2 con chung, không yêu cầu bà Đ cấp dưỡng.

Tại phiên tòa sơ thẩm, ông P cho rằng mình có công việc, thu nhập ổn định và được cha, mẹ hỗ trợ chăm sóc 2 cháu nên đủ điều kiện để nuôi con. Từ khi bà Đ đi khỏi nhà, 2 con ông vẫn đi học, sinh hoạt bình thường, sức khỏe tốt. Ông và bà Đ không có tài sản chung và nợ chung. Bà Đ cũng thống nhất là hai vợ chồng không có tài sản chung, nợ chung. Bà Đ cho rằng bà cũng nhận thấy giữa hai vợ chồng có mâu thuẫn, nhưng do niềm tin tôn giáo, bà Đ không thể ly hôn theo yêu cầu của ông P. Bà vẫn muốn lựa chọn cả hai: chồng, con và tín ngưỡng. Bà luôn muốn có cơ hội thể hiện trách nhiệm làm vợ, làm mẹ. Hiện tại, bà sống cùng người bạn đồng đạo, tại quận Cái Răng. Nếu tòa án chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của ông P, bà cũng đồng ý để ông P nuôi dưỡng con cái theo ý kiến ông P. Còn nếu ông P giao 2 con cho bà, bà cũng chấp nhận và không yêu cầu cấp dưỡng nuôi con.

Sau khi xem xét đầy đủ các tình tiết vụ án, tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên chấp nhận yêu cầu của ông P, cho ông ly hôn với bà Đ. Giao 2 con chung cho ông P trực tiếp nuôi dưỡng, giáo dục. Ông P không yêu cầu bà Đ cấp dưỡng nuôi con. Bà Đ được thăm nom, chăm sóc, giáo dục con chung, không ai được cản trở.

Tuy nhiên, sau đó, bà Đ kháng cáo đòi quyền nuôi con, không yêu cầu ông P cấp dưỡng. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Đ cho rằng không nghĩ tới vấn đề ly hôn. Sau khi rời khỏi nhà đến nay, bà vẫn sống nhờ nhà người bạn ở quận Cái Răng. Bà có công việc là sửa và may quần áo với thu nhập từ 4-6 triệu đồng/tháng. Nếu được giao quyền nuôi con, bà sẽ đưa con về quê sống với cha mẹ ruột.

Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án Nhân dân TP Cần Thơ xét thấy, từ khi bà Đ rời khỏi nhà thì 2 con của ông P và bà Đ do ông P trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc. Hai cháu vẫn đi học, sinh hoạt, phát triển tốt và có xác nhận của địa phương cũng như trường học. Mặt khác, ông P có chỗ ở, công việc và thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống cho các cháu. Do đó, để ổn định cuộc sống của các cháu, đảm bảo các cháu được chăm lo, học tập, phát triển lành mạnh về mọi mặt, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân thành phố đã không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Đ, tuyên giao 2 con chung cho ông P trực tiếp nuôi dưỡng, giáo dục, không yêu cầu bà Đ cấp dưỡng nuôi con.   

Tòa án Nhân dân thành phố đã căn cứ khoản 2, Điều 81, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (HN&GĐ), có xem xét quyền lợi mọi mặt của 2 trẻ, căn cứ vào điều kiện của ông P có việc làm, thu nhập, có nhà ở ổn định và có thời gian chăm sóc con, đảm bảo 2 con được học hành, vui chơi và phát triển bình thường về tinh thần. Còn trường hợp bà Đ không có thu nhập, không chỗ ở ổn định. Khi chưa ly hôn, dù con còn nhỏ nhưng bà Đ đã không dành thời gian chăm sóc con cái, gia đình, không thể đảm bảo cho các con phát triển tốt cả về thể chất lẫn tinh thần nên không thể giao con cho bà Đ nuôi dưỡng. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 82, Luật HN&GĐ, bà Đ có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Bà Đ cũng có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con khi ông P và bà Đ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con; người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con (Điều 84, Luật HN&GĐ).