TTH.VN - Trước tình trạng xuất hiện nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe khi chưa được kiểm chứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, tài sản và niềm tin của người tiêu dùng, ngành chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm...
Trước tình trạng xuất hiện nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe khi chưa được kiểm chứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng, tài sản và niềm tin của người tiêu dùng, ngành chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm...
Ðoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm TP Cần Thơ kiểm tra tại Công ty TNHH phân phối H.M.N. Ảnh: Đoàn Lý
Ngày 16-3-2022, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH thương mại H Việt Nam về các hành vi vi phạm quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dạ Dày Tâm Vị: quảng cáo mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo; quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; quảng cáo không có khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Ngày 23-3-2022, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành Quyết định số 03/QĐ-XPVPHC xử phạt Công ty TNHH thương mại H Việt Nam 110 triệu đồng; buộc tháo gỡ nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dạ Dày Tâm Vị vi phạm, cải chính thông tin theo quy định. Công ty TNHH thương mại H Việt Nam đã chấp hành nộp tiền phạt.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng cẩn trọng với những quảng cáo thổi phồng công dụng trên môi trường mạng. Ngày 12-4-2022, Cục An toàn thực phẩm đã cập nhật thông tin xử phạt 300 triệu đồng đối với hành vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm của 5 cơ sở: Công ty TNHH MTV Dược phẩm Y; Công ty CP Dược phẩm H; Công ty CP Y dược N; Công ty CP Thiên dược S; Công ty CP thương mại quốc tế Đ. Ngoài hình thức phạt tiền, các cơ sở bị xử phạt về quảng cáo phải tháo gỡ, tháo dỡ, xóa nội dung quảng cáo vi phạm; cơ sở vi phạm tự công bố sản phẩm phải thu hồi sản phẩm và thu hồi bản tự công bố sản phẩm vi phạm.
Tháng 5 là Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm với chủ đề “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới”. Vừa qua, các cơ quan, ban, ngành liên quan trên địa bàn thành phố đã thực hiện kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm tại Công ty TNHH phân phối H.M.N (390/14 khu vực Bình Nhựt, phường Long Hòa) và Nhà hàng H.S. Qua kiểm tra hồ sơ và thực tế, Công ty xuất trình giấy đăng ký kinh doanh, kho sạch sẽ, khang trang, hàng hóa xếp đặt ngăn nắp, gọn gàng... Tuy nhiên, Công ty chưa xuất trình được hồ sơ khám sức khỏe, giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm. Ðoàn đã nhắc nhở và yêu cầu bổ sung. Kiểm tra thực tế tại Nhà hàng H.S, đoàn đã test nhanh tại chỗ các thực phẩm: bún, mực tươi, chả cá, dưa ngó sen. Kết quả đều âm tính. Tuy nhiên, nhà hàng chưa thực hiện đầy đủ, đúng quy định về chế độ kiểm thực 3 bước.
Việc quảng cáo các sản phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đều sẽ bị phạt nặng. Nghị định số 124/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có quy định cụ thể đối với hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng đã hết hiệu lực, trừ trường hợp không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, có thể bị phạt tiền 20-30 triệu đồng.
Đối với hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng đã hết hiệu lực, trừ trường hợp không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, sẽ bị phạt tiền 30-40 triệu đồng. Phạt tiền 40-60 triệu đồng đối với các hành vi: sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) hoặc có giấy chứng nhận GMP nhưng đã hết hiệu lực, trừ trường hợp sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên dây chuyền sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền hoặc trường hợp khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế; buôn bán, lưu thông trên thị trường sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu đã được cấp giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm hoặc giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trước ngày 1-7-2019 mà không thực hiện bổ sung giấy chứng nhận GMP hoặc chứng nhận tương đương trước khi sản xuất.
Để công tác quản lý an toàn thực phẩm được phát huy hiệu quả, bên cạnh việc kiểm tra, giám sát xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm của ngành chức năng, hơn ai hết, chính người tiêu dùng cần nâng cao ý thức đảm bảo an toàn, cẩn trọng với các lời chào mời, quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội; nên chọn mua thực phẩm ở những địa chỉ tin cậy, sản phẩm có xuất xứ, truy xuất nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo an toàn cho mình và gia đình.