Xả thải chưa qua xử lý - vừa ảnh hưởng môi trường, vừa bị phạt nặng

Việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường (BVMT) của các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn TP Cần Thơ đang là một trong những vấn đề được xã hội quan tâm. Hành lang pháp lý về BVMT ngày càng được hoàn thiện; mức phạt với hành vi gây ô nhiễm môi trường ngày càng tăng nặng. Thế nhưng, một số tổ chức, cá nhân còn vì lợi ích trước mắt mà không chấp hành các quy định về BVMT và đã bị xử phạt nặng để mang tính răn đe. 

 

Hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty X. Ảnh: Hoàng Yến

Công ty X có trụ sở trên bàn TP Cần Thơ, đăng ký kinh doanh từ năm 2006, hoạt động sản xuất các phế phẩm từ cá, công suất trên 10.000 tấn/năm. Năm 2018, Công ty X được UBND thành phố phê duyệt đề án BVMT. Năm 2019, Công ty X có thực hiện giám sát môi trường định kỳ. Ngày 7-1-2021, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an TP Cần Thơ tiến hành kiểm tra đột xuất tại Công ty X, phát hiện nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất được đưa về bể thu gom của hệ thống xử lý nước thải nhưng không xử lý mà cho chảy tràn xuống cống thoát nước mưa của Công ty và dẫn vào cống thoát nước mưa của khu công nghiệp, sau đó thải ra sông Hậu với lưu lượng 16m3/ngày (24 giờ). Ðoàn kiểm tra đã tiến hành thu 1 mẫu nước thải tại vị trí Công ty X xả vào cống nước mưa của khu công nghiệp để phân tích ô nhiễm. Qua phân tích 4 thông số về môi trường, cả 4 thông số đều vượt quy chuẩn kỹ thuật. Theo khoản 3, Ðiều 6, Nghị định số 155/2016/NÐ-CP quy định thông số hàm lượng BOD5, vượt 75 lần, tương ứng với hành vi vi phạm có mức phạt cao nhất đối với tổ chức từ 200-220 triệu đồng.

Phòng Cảnh sát Môi trường đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực BVMT đối với Công ty X. Căn cứ trên cơ sở đó, UBND TP Cần Thơ ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty X về hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên, trong trường hợp thải lượng nước từ 10m3/ngày (24 giờ) đến dưới 20m3/ngày (24 giờ). Mức phạt tiền là 210 triệu đồng đối với thông số hàm lượng BOD5 ở 200C vượt 75 lần; phạt tăng thêm 50% mức phạt tiền đối với thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 10 lần trở lên (thông số COD vượt 46,22 lần); phạt tăng thêm 50% mức phạt tiền đối với thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 10 lần trở lên (thông số tổng chất rắn lơ lửng TSS vượt 13,89 lần); phạt tăng thêm 30% mức phạt tiền đối với thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 2 lần trở lên đến dưới 5 lần (thông số photpho vượt 3,54 lần). Tổng mức phạt tiền vi phạm nêu trên là 483 triệu đồng. Ðồng thời buộc Công ty X phải thu gom toàn bộ nước thải về hệ thống xử lý, đảm bảo nước thải phải được thu gom, xử lý trước khi đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm về Công an thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố để giúp UBND thành phố kiểm tra, giám sát và báo cáo kết quả thực hiện về UBND thành phố. Bên cạnh đó, buộc Công ty M chi trả kinh phí phân tích mẫu môi trường là 1,740 triệu đồng.

Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020; Luật BVMT năm 2014 đã được thay thế bằng Luật BVMT năm 2020; Nghị định số 155/2016/NÐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT, đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 55/2021/NÐ-CP ngày 24-5-2021. Việc sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế trong các văn bản mới đã khắc phục những hạn chế, vướng mắc và những bất cập trong thi hành xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực BVMT. Theo đó, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT bị áp dụng 1 trong 2 hình thức xử phạt chính sau đây: cảnh cáo; phạt tiền tối đa đối với  1 hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT là 1 tỉ đồng đối với cá nhân, 2 tỉ đồng đối với tổ chức và các biện pháp khắc phục hậu quả khác. Mức phạt này đã tương đối phù hợp và mang tính răn đe đối với các tổ chức vi phạm.

Việc xả thải ra môi trường là hành vi đáng lên án. Pháp luật về BVMT ngày càng hoàn thiện, quy định chi tiết các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả. Cá nhân, tổ chức nên tuân thủ các quy định pháp luật về BVMT, đừng vì lợi ích trước mắt mà để môi trường và cả cá nhân hay tổ chức phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm đối với hành vi vi phạm về môi trường để đảm bảo người dân được sống trong môi trường trong lành.