Xử lý hình sự tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người

Hỏi: Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người có bị xử lý hình sự không?

Đáp: Căn cứ Điều 240, Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, quy định: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm: đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người; hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

Đối với các hành vi dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế, làm chết người thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 5-10 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10-12 năm: dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; làm chết 2 người trở lên. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Hỏi: Hoạt động giám sát bệnh các trường hợp mắc bệnh, bị nghi ngờ mắc bệnh và mang mầm bệnh truyền nhiễm được quy định như thế nào?

Đáp: Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm hiện hành quy định: giám sát các trường hợp mắc bệnh, bị nghi ngờ mắc bệnh và mang mầm bệnh truyền nhiễm bao gồm thông tin về địa điểm, thời gian, các trường hợp mắc bệnh, tử vong; tình trạng bệnh; tình trạng miễn dịch; đặc điểm chủ yếu về dân số và các thông tin cần thiết khác. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan y tế có thẩm quyền được lấy mẫu xét nghiệm ở người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm để giám sát. Ngoài ra, giám sát tác nhân gây bệnh truyền nhiễm còn bao gồm các thông tin liên quan về chủng loại, đặc tính sinh học và phương thức lây truyền từ nguồn truyền nhiễm. Giám sát trung gian truyền bệnh bao gồm các thông tin liên quan đến số lượng, mật độ, thành phần và mức độ nhiễm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm của trung gian truyền bệnh.

Hỏi: Việc khai báo, báo cáo dịch được quy định trong thời gian bao lâu?

Đáp: Theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm hiện hành, khi có dịch, người mắc bệnh dịch hoặc người phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nghi ngờ mắc bệnh dịch phải khai báo cho cơ quan y tế gần nhất trong thời gian 24 giờ, kể từ khi phát hiện bệnh dịch. Khi phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nhận được khai báo bệnh dịch, cơ quan y tế phải báo cáo cho UBND nơi xảy ra dịch và cơ sở y tế dự phòng để khẩn trương tổ chức triển khai các biện pháp chống dịch.

H.Y