Bạo lực học đường (BLHÐ) là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lý, đạo lý, xúc phạm, trấn áp người khác, gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác, diễn ra trong phạm vi trường học. Hiện nay, tình trạng BLHÐ đang làm nhiều bậc phụ huynh lo ngại. Pháp luật đã có những quy định chế tài rất nghiêm khắc đối với những đối tượng BLHÐ.
Buổi sinh hoạt học sinh lớp 10 trong ngày đầu tựu trường tại Trường THPT Châu Văn Liêm.
Câu chuyện liên quan đến 2 nữ sinh lớp 8 Trường THCS Ð.T.Ð trên địa bàn quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ bị bạn tát, đập đầu xuống gạch xảy ra từ năm 2020 đến nay vẫn khiến nhiều người lo lắng. Theo đó, 4 nữ sinh học lớp 8 và 1 học sinh lớp 9 chơi thân với nhau. Sau đó, 4 nữ sinh có mâu thuẫn qua lời nói. Khoảng 8 giờ 30 phút ngày 9-6-2020, 4 nữ sinh mâu thuẫn với nhau tại căn-tin nhà trường và được bảo vệ can ngăn nên hòa giải tại chỗ. Sau đó, nhóm nữ sinh hẹn nhau tan hc ra góc đường Võ Thị Sáu để nói chuyện, đồng thời 1 nữ sinh đã sắp xếp cho một học sinh lớp 9 nói trên đi theo quay clip. Trong đó, 2 nữ sinh đã tấn công 2 bạn nữ còn lại vào góc tường và dùng tay túm tóc kéo xuống để đánh liên tục. Ðây là một trong nhiều trường hợp BLHÐ xảy ra trên địa bàn TP Cần Thơ nói riêng và ở nhiều nơi khác nói chung.
BLHÐ diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau tùy vào những nhóm đối tượng học sinh khác nhau. Có thể kể đến một số loại BLHÐ hiện nay, như: bạo lực về thể chất (đánh đập, bứt tóc, xô đẩy, xé quần áo...); bạo lực bằng lời nói gây xúc phạm, gán ghép hoặc bôi nhọ, sỉ nhục, chế nhạo...; bạo lực tâm lý phân biệt đối xử, cô lập, tẩy chay, nói xấu, bêu riếu xung quanh hay thậm chí là trên mạng xã hội... Các loại BLHÐ đều sẽ để lại những hệ quả đáng tiếc không chỉ cho người bị bạo lực mà còn cả với những người gây ra hành vi bạo lực.
Ðiều 5, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định: người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, hành vi BLHÐ xâm phạm tới sức khỏe, danh dự, nhân phẩm thì người gây ra hành vi có thể phải bồi thường thiệt hại dân sự. Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, bồi thường thiệt hại sức khỏe do bị xâm phạm gồm các khoản: chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; thiệt hại khác do luật quy định. Ngoài ra, nếu người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu; người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
Về hình sự, theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Theo đó, những học sinh đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo Ðiều 104, Bộ luật Hình sự: người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11-30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm. Ngoài ra, các hành vi BLHÐ cũng có thể dẫn đến phạm tội làm nhục người khác theo Ðiều 121, Bộ luật Hình sự: người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Ðể ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng BLHÐ, rất cần sự chung tay, vào cuộc của toàn xã hội, nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội. Ngoài ra, nhà trường cần chú trọng giảng dạy một số môn học như kỹ năng sống, kỹ năng xử lý tình huống, giáo dục công dân, trang bị kiến thức đúng đắn về cách hành xử, kiến thức pháp luật cho học sinh, tuyên truyền về hành động đẹp, tăng cường tinh thần trách nhiệm cũng như ý thức đấu tranh đẩy lùi BLHÐ.