Hỏi: Người lao động (NLĐ) có những quyền lợi gì trong thời gian thử việc?
Đáp: Bộ luật Lao động hiện hành quy định thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 1 lần đối với 1 công việc. Thời gian thử việc không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên; không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ; không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.
Tiền lương của NLĐ trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó. Khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho NLĐ. Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.
Hỏi: Trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động được quy định như thế nào?
Đáp: Bộ luật Lao động hiện hành quy định các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, bao gồm: NLĐ thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; NLĐ bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự; NLĐ phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc cơ sở giáo dục bắt buộc; lao động nữ mang thai; NLĐ được bổ nhiệm làm người quản lý doanh nghiệp của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; NLĐ được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; NLĐ được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phần vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác; trường hợp khác do hai bên thỏa thuận.
Trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, NLĐ không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
Hỏi: Quyền lợi liên quan đến lao động nữ được quy định như thế nào?
Đáp: Theo quy định của pháp luật lao động, người sử dụng lao động không được xử lý kỷ luật đối với NLĐ đang trong thời gian mang thai; nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Lao động nữ mang thai nếu tiếp tục làm việc sẽ có ảnh hưởng xấu tới thai nhi và phải có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh thì có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 (nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo) sẽ không phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa.
Bên cạnh đó, Bộ luật Lao động còn quy định cho phép lao động nữ mang thai được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Ngoài ra, lao động nữ mang thai được nghỉ trước sinh tối đa không quá 2 tháng. Thời gian này sẽ được trừ vào thời gian nghỉ thai sản. Luật còn quy định cấm người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng với NLĐ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động.