Những quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Hỏi: Người tiêu dùng mua phải hàng giả, kém chất lượng, có được yêu cầu bồi thường không?

Đáp: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định về quyền của người tiêu dùng như sau: yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

Tại Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng như sau: cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường.

Hỏi: Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ bao gồm những loại hàng hóa nào?

Đáp: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 quy định: Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định của luật này bao gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý, hàng hóa sao chép lậu. Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu hoặc dấu hiệu hoặc tem, nhãn có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu. Hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn dấu hiệu hoặc tem, nhãn có chứa các dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó và việc gắn dấu hiệu này được thực hiện bởi tổ chức, cá nhân không có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý theo quy định của luật này hoặc theo pháp luật của nước xuất xứ của chỉ dẫn địa lý đó. Hàng hóa sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan.

Hỏi: Hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn hiệu, bao bì của hàng hóa, bị xử lý như thế nào?

Đáp: Căn cứ Nghị định 98/2020/NĐ-CP và Nghị định 17/2022/NĐ-CP, ngày 31-1-2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí quy định: Đối với hành vi sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, sẽ bị phạt tiền 2-5 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá dưới 3 triệu đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp dưới 5 triệu đồng; phạt tiền 5-8 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 3 triệu đồng đến dưới 5 triệu đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 5 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng; phạt tiền 40-50 triệu đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 30 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự…

Bên cạnh đó, người vi phạm sẽ bị tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định; tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc được sử dụng để sản xuất hàng giả; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động sản xuất vi phạm từ 3-6 tháng. Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả hoặc buộc tiêu hủy hàng giả đối với hành vi vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm theo quy định.