Phải đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người dân

Theo Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi), nhiều vấn đề đã được điều chỉnh theo hướng hiệu quả, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến đóng góp, Dự thảo cần bổ sung, sửa đổi một số quy định cụ thể về bồi thường và hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, nguyên tắc định giá đất, vai trò giám sát của MTTQ trong công tác quản lý đất đai...

 

MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy vai trò giám sát trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Dự án Khu dân cư 91B - giai đoạn 3, phường An Khánh, quận Ninh Kiều.

Theo kế hoạch đã được Quốc hội ban hành tại Nghị quyết số 50/2022/QH15, Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2022), cho ý kiến lần thứ hai tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2023) và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023). Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) có những điểm mới về đăng ký đất đai, cấp sổ đỏ; bổ sung khoản thu tài chính từ đất đai; bổ sung trường hợp thu hồi đất; bổ sung quy định về thời hạn sử dụng đất; sửa đổi, bổ sung quy định người sử dụng đất... Ðiểm mới nổi bật nhất và được xem là bước đột phá của Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) lần này chính là bỏ quy định khung giá đất của Chính phủ. Thay vào đó là cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Bảng giá đất được xây dựng định kỳ hằng năm và công bố công khai vào ngày 1-1 của năm.

Về cơ bản, Tòa án Nhân dân (TAND) TP Cần Thơ thống nhất đối với Dự thảo Tờ trình và Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi). Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Chế Linh, Chánh Tòa dân sự TAND TP Cần Thơ, cần cân nhắc và xem xét lại một số quy định. Cụ thể, Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) quy định: UBND cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể. Cơ quan định giá đất cấp tỉnh có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh tổ chức việc xác định giá đất cụ thể. Trong quá trình thực hiện, cơ quan định giá đất cấp tỉnh thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để tư vấn xác định giá đất cụ thể. Căn cứ kết quả tư vấn xác định giá đất, cơ quan định giá đất cấp tỉnh trình Hội đồng thẩm định giá đất xem xét trước khi trình UBND cùng cấp quyết định. Tuy nhiên, lại không quy định rõ cơ quan định giá đất cấp tỉnh cụ thể là cơ quan nào: Sở Tài nguyên và Môi trường hay Sở Tài chính…

Hơn nữa, Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) vẫn chưa có sự đổi mới về cơ chế xác định giá đất cụ thể (quy định này vẫn xác định giá đất cụ thể kế thừa khoản 3, Ðiều 114 của Luật Ðất đai năm 2013). Trong khi đó, qua thực tiễn gần 10 năm thi hành Luật Ðất đai năm 2013 cho thấy, quy định về giá đất cụ thể là điểm không thành công của luật này. Giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định được sử dụng làm căn cứ tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Trong khi đó, giá đất cụ thể được xác định thấp hơn giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường nên dẫn đến xảy ra nhiều tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Quy định của Dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) cũng chưa đảm bảo sự độc lập của Hội đồng thẩm định giá vì theo quy định, chủ tịch UBND cấp tỉnh là chủ tịch hội đồng thẩm định giá; thành viên là đại diện của cơ quan, tổ chức có liên quan, tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất… trong khi luật hiện hành đã trao cho UBND cấp tỉnh nhiều quyền như giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất.

Ông Tống Văn Nhịn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQVN TP Cần Thơ, đề nghị: Luật Ðất đai (sửa đổi) cần thể chế đầy đủ phương châm “dân biết, dân kiểm tra, dân giám sát” vào những nội dung cụ thể liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Cần quy định rõ vai trò, nhiệm vụ của MTTQVN tham gia vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi UBND cùng cấp phê duyệt. Từ đó, MTTQ mới bám sát từng trường hợp cụ thể để tuyên truyền cho người dân hiểu về chủ trương, cơ chế chính sách đối với việc giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư và vận động để người dân đồng tình ủng hộ tham gia thực hiện. Có như vậy, người sẽ dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, chính quyền và nghiêm túc chấp hành quy định. Việc phát huy vai trò giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, ban thanh tra nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư là nhằm thực hiện công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Tiến sĩ Châu Hoàng Thân, giảng viên Khoa Luật Trường Ðại học Cần Thơ, nêu ý kiến: Về nguyên tắc bồi thường, thiết nghĩ chỉ nên quy định bồi thường bằng đất, không cần gắn điều kiện là đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi. Như vậy sẽ rộng hơn, thực tế hơn và áp dụng hiệu quả hơn, nhất là vấn đề chia sẻ lợi ích khi thu hồi đất nông nghiệp để làm các dự án khu dân cư, nhà thương mại. Ðồng thời, giải quyết mâu thuẫn hiện tại trong Dự thảo khi thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân thì lại cho phép bồi thường bằng đất nông nghiệp hoặc bằng tiền hoặc bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở. Bên cạnh đó, cần làm rõ vấn đề thiệt hại do ngừng sản xuất kinh doanh được bồi thường hay hỗ trợ vì vấn đề này đã và đang tồn tại trong Luật Ðất đai năm 2013.