Phạt nặng với hành vi mua bán người

Tội phạm mua bán người (MBN) đang là mối quan ngại của tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Vấn nạn này không chỉ xâm hại đến quyền con người, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần, tính mạng của nạn nhân mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh, trật tự của địa phương. Vì vậy, những hành vi phạm tội MBN phải chịu chế tài rất nặng của pháp luật.

 

Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP Cần Thơ trao đổi ý kiến tại Hội nghị Thực trạng thi hành pháp luật phòng, chống MBN trên địa bàn TP Cần Thơ. Ảnh: KIM XUÂN

Ngày 30-9-2020, Tòa án Nhân dân (TAND) TP Cần Thơ mở phiên xử sơ thẩm và tuyên phạt Bùi Thúy Th (ngụ huyện Cờ Ðỏ, TP Cần Thơ) 10 năm tù, Nguyễn Thị A Kh (ngụ huyện Cờ Ðỏ, TP Cần Thơ) 12 năm tù và Dương Minh H (ngụ huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) 16 năm tù cùng về tội MBN dưới 16 tuổi.

Tháng 11-2017, Bùi Thúy Th gả con gái là A Kh cho Tạ X là người Trung Quốc. Sau một thời gian sống ở Trung Quốc, A Kh, bà Th, Dương Minh H và Tạ X cùng bàn bạc tổ chức thành một đường dây đưa phụ nữ từ Việt Nam sang Trung Quốc gả chồng và nhận tiền hoa hồng. Th và A Kh có nhiệm vụ tìm kiếm phụ nữ có nhu cầu sang Trung Quốc lấy chồng. H làm môi giới và tổ chức đưa những người phụ nữ từ Việt Nam sang Trung Quốc bằng đường cửa khẩu. Tạ X có vai trò tìm những người đàn ông Trung Quốc muốn lấy vợ Việt Nam.

Tháng 1-2018, qua giới thiệu của bà Th, H, A Kh và Tạ X về Việt Nam để dẫn hai bé T.T.H.N và T.T.H.Y (cùng sinh năm 2003) sang Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh). Tại Trung Quốc, Tạ X đã gả bán N và Y cho hai người đàn ông khác (không rõ lai lịch) và thu lợi mỗi người 10 vạn nhân dân tệ (tương đương 330 triệu đồng). Phi vụ thành công, Th được nhận 238 triệu đồng. Sống ở Trung Quốc được hơn 1 năm, N và Y đòi về Việt Nam. Tháng 2-2019, A Kh sắp xếp cho N bỏ trốn về Việt Nam, còn Y chưa về được. Tháng 5-2019, A Kh cũng trốn về nước. Lúc này, khi N về nhà, bà H (mẹ ruột N) làm đơn tố giác hành vi phạm tội của bà Th và A Kh đến cơ quan công an. Theo kết luận giám định, thời điểm N sang Trung Quốc chỉ 14 tuổi.

Ðó chỉ là một trong nhiều vụ việc MBN được phát hiện và bị xử lý nghiêm. Tình trạng MBN hiện vẫn diễn ra hết sức tinh vi và nguy hiểm. Theo Công an TP Cần Thơ, từ năm 2016-2021, thành phố đã phát hiện, thụ lý 3 vụ, 11 đối tượng MBN với 10 nạn nhân (trong đó có 2 vụ với 4 đối tượng mua bán trẻ em dưới 16 tuổi). Công an thành phố đã khởi tố 1 vụ, 3 bị can; xử phạt hành chính 1 vụ với 5 đối tượng số tiền 12,5 triệu đồng, xử phạt hành chính và trục xuất khỏi Việt Nam 1 đối tượng là người Trung Quốc; phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an điều tra, khởi tố 1 vụ với 1 đối tượng. Bên cạnh đó, công an tiếp nhận và làm rõ 26 tin báo tố giác liên quan đến MBN…

Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm  2017, quy định người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 5-10 năm: chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi bóc lột, cưỡng bức lao động… Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 8-15 năm: có tổ chức; vì động cơ đê hèn; gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31%-60%; đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước CHXHCN Việt Nam; đối với từ 2 người đến 5 người; phạm tội 2 lần trở lên. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12-20 năm: có tính chất chuyên nghiệp; đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; làm nạn nhân chết hoặc tự sát; đối với 6 người trở lên; tái phạm nguy hiểm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Hỗ trợ nạn nhân của việc mua bán người 

Hỏi: Những hành vi nào bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người (MBN)?

Ðáp: Luật Phòng, chống MBN hiện hành quy định các nhóm hành vi bị nghiêm cấm như sau: MBN theo quy định tại Ðiều 119 và Ðiều 120 của Bộ luật Hình sự; chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác hoặc để thực hiện hành vi (tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể…); cưỡng bức người khác thực hiện một trong các hành vi (tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể…); môi giới để người khác thực hiện một trong các hành vi quy định tại luật này (tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể…); lợi dụng hoạt động phòng, chống MBN để trục lợi, thực hiện các hành vi trái pháp luật; tiết lộ thông tin về nạn nhân khi chưa có sự đồng ý của họ hoặc người đại diện hợp pháp của nạn nhân…

Người có hành vi vi phạm các quy định cấm nêu trên, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hỏi: Các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân và người thân thích của họ được pháp luật quy định như thế nào?

Ðáp: Luật Phòng, chống MBN năm 2011 quy định: bố trí nơi tạm lánh khi nạn nhân, người thân thích của họ có nguy cơ bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe; giữ bí mật về nơi cư trú, nơi làm việc, học tập của nạn nhân và người thân thích của họ; các biện pháp ngăn chặn hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của nạn nhân, người thân thích của họ theo quy định của pháp luật; các biện pháp bảo vệ khác theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giữ bí mật các thông tin về nạn nhân, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Tòa án xem xét, quyết định việc xét xử kín đối với vụ án MBN theo yêu cầu của nạn nhân hoặc người đại diện hợp pháp của nạn nhân.

Hỏi: Trong trường hợp là nạn nhân của việc mua bán người thì được hỗ trợ như thế nào?

Ðáp: Theo quy định của Luật Phòng, chống MBN, việc tiếp nhận, xác minh nạn nhân từ nước ngoài trở về qua cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài) được thực hiện như sau: Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp nhận và xử lý thông tin, tài liệu về nạn nhân và phối hợp với Bộ Công an trong việc xác minh nhân thân của nạn nhân, cấp giấy tờ cần thiết, làm thủ tục đưa họ về nước; Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện việc tiếp nhận nạn nhân, nếu họ có nguyện vọng tự trở về nơi cư trú, thì hỗ trợ tiền tàu xe, tiền ăn trong thời gian đi đường và hướng dẫn họ làm thủ tục nhận chế độ hỗ trợ quy định (hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; hỗ trợ y tế; hỗ trợ tâm lý…). Trường hợp họ không có nơi cư trú hoặc có nguyện vọng được lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân thì chuyển giao họ cho những cơ sở này. Nạn nhân là trẻ em thì thông báo cho người thân thích đến nhận hoặc bố trí người đưa về nơi người thân thích cư trú; nạn nhân là trẻ em không nơi nương tựa thì làm thủ tục chuyển giao cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Việc tiếp nhận nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài có đủ điều kiện trở về Việt Nam theo khuôn khổ thỏa thuận quốc tế song phương được thực hiện theo quy định của thỏa thuận quốc tế song phương đó.

H.Y (Thực hiện)