Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả. Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn chưa ý thức hết mức độ nguy hiểm của bệnh dịch, có nhiều hành vi vi phạm, gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch, ảnh hưởng chung đến cộng đồng. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính lĩnh vực y tế, trong đó quy định cụ thể mức phạt đối với hành vi vi phạm trong phòng, chống dịch bệnh…
Đối với hành vi vi phạm các quy định về vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm như không thực hiện biện pháp bảo đảm vệ sinh nơi ở, nơi công cộng, phương tiện giao thông, nơi chứa chất thải sinh hoạt để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000-500.000 đồng. Đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo đảm vệ sinh nơi ở, nơi công cộng, phương tiện giao thông, nơi chứa chất thải sinh hoạt, làm phát sinh, lây lan bệnh truyền nhiễm, thì bị phạt từ 1-3 triệu đồng.
Đối với cơ sở giáo dục không tuyên truyền về vệ sinh phòng bệnh hoặc không kiểm tra, giám sát vệ sinh môi trường, không triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm, có thể bị phạt từ 3-5 triệu đồng. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh không thực hiện biện pháp bảo đảm vệ sinh nơi sản xuất, kinh doanh, không xử lý chất thải công nghiệp và biện pháp vệ sinh khác theo quy định của pháp luật, làm phát sinh, lây lan bệnh truyền nhiễm thì bị phạt từ 10-20 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Nghị định quy định hành vi che giấu, người nào không khai báo hoặc khai báo không kịp thời khi phát hiện người khác mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật, có thể bị phạt từ 500.000-1 triệu đồng. Còn đối với các hành vi không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm; không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ về giám sát bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân, sẽ bị phạt từ 1-3 triệu đồng. Hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, có thể bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.
Ngoài ra, vi phạm quy định về phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thể bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng nếu không khai báo hoặc khai báo không trung thực diễn biến bệnh truyền nhiễm của bản thân với thầy thuốc, nhân viên y tế; không đăng ký theo dõi sức khỏe với trạm y tế xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sau khi ra viện hoặc kết thúc việc điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; không tư vấn về các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho người bệnh và người nhà người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: không thông báo thông tin liên quan đến người mắc bệnh truyền nhiễm được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở của mình cho cơ quan y tế dự phòng cùng cấp; không theo dõi sức khỏe của thầy thuốc, nhân viên y tế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực tiếp tham gia khám bệnh, chăm sóc, điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; không thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm đối với người mắc bệnh truyền nhiễm; không vệ sinh, khử trùng, tẩy uế và các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm khác khi phát hiện môi trường có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và C, người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và C, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và C, người mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và C.
Nghị định còn quy định phạt tiền từ 5-7 triệu đồng đối với hành vi không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế khi phát hiện môi trường có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Phạt tiền từ 7-10 triệu đồng đối với hành vi không vệ sinh, khử trùng, tẩy uế và các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm khác khi phát hiện môi trường có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
Hành vi không tổ chức cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với trường hợp phải thực hiện việc cách ly y tế theo quy định của pháp luật; từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không lập danh sách và theo dõi sức khỏe của những người tiếp xúc với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật, sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng, theo quy định của Nghị định.
Bên cạnh đó, Nghị định quy định mức phạt từ 15-20 triệu đồng đối với hành vi không tổ chức cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu; cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế tại địa điểm không đủ điều kiện thực hiện cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật…
Hoàng Yến (Tổng hợp)
Chuyên trang được thực hiện với sự phối hợp của Sở Tư pháp TP Cần Thơ
Những điểm đáng chú ý của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã chính thức được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021. Luật này quy định những trường hợp không tiến hành hoà giải; bảo mật thông tin hòa giải, đối thoại tại tòa án; các loại chi phí các bên tham gia hòa giải phải chịu…
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã chính thức được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021. Luật này quy định những trường hợp không tiến hành hoà giải; bảo mật thông tin hòa giải, đối thoại tại tòa án; các loại chi phí các bên tham gia hòa giải phải chịu…
Hòa giải tại tòa án là hoạt động hòa giải do hòa giải viên tiến hành trước khi tòa án thụ lý vụ việc dân sự nhằm hỗ trợ các bên thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự theo quy định. Trong khi đó, đối thoại tại tòa án là hoạt động đối thoại do hòa giải viên tiến hành trước khi tòa án thụ lý vụ án hành chính nhằm hỗ trợ các bên thống nhất giải quyết khiếu kiện hành chính. Nếu các bên thông qua hòa giải hoặc đối thoại, tự nguyện thỏa thuận về việc giải quyết một phần hoặc toàn bộ vụ việc dân sự hoặc tự nguyện thống nhất về việc giải quyết một phần hoặc toàn bộ khiếu kiện hành chính thì được coi là hòa giải thành và đối thoại thành.
Về bảo mật thông tin hòa giải, đối thoại tại tòa án: Trong đối thoại, hòa giải viên, các bên, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được mời tham gia hòa giải, đối thoại không được tiết lộ thông tin mà mình biết được trong quá trình hòa giải, đối thoại. Trong quá trình hòa giải, đối thoại, không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại. Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này. Hòa giải viên, các bên chỉ được ghi chép để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại và phải bảo mật nội dung đã ghi chép. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng tài liệu, lời trình bày của các bên trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp sau đây: bên đã xuất trình tài liệu, trình bày ý kiến trong quá trình hòa giải, đối thoại đồng ý việc sử dụng tài liệu, lời trình bày của mình trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ; phải sử dụng làm chứng cứ theo quy định của Luật.
Luật cũng quy định các loại chi phí các bên tham gia hòa giải phải chịu: pháp nhân, cá nhân nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch; chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài; chi phí phát sinh khi tiến hành hòa giải, đối thoại khi các bên thống nhất chọn địa điểm hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở tòa án; chi phí hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản nằm ngoài phạm vi lãnh thổ của tỉnh nơi tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở, trước khi hòa giải viên lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.
Luật cũng quy định cụ thể các trường hợp không thể tiến hành hòa giải, đối thoại, gồm: yêu cầu đòi bồi thường do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước; những vụ việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội; người khởi kiện, bị kiện đã được mời tham gia hòa giải, đối thoại hợp lệ lần 2 nhưng vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc không thể tham gia vì lý do chính đáng; một bên vợ hoặc chồng trong tranh chấp ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự; một trong các bên đề nghị không hòa giải, đối thoại; một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và những trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Về trình tự, thủ tục và công nhận kết quả hòa giải, đối thoại: Để nhận được Quyết định công nhận kết quả hòa giải, đối thoại, các bên phải tiến hành theo trình tự, thủ tục gồm các bước sau: nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu và chỉ định hòa giải viên; chuẩn bị hòa giải, đối thoại; tiến hành phiên hòa giải, đối thoại; tiến hành phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại; ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành.
H.Y
Các hành vi vi phạm trong phòng, chống dịch sẽ bị xử lý nghiêm (Trong ảnh: kiểm tra y tế tại Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ).
Ảnh: Đoàn Lý